Lotte Group là chaebol (công ty gia đình) lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, với khối tài sản khoảng hơn 100 tỷ USD.

Lotte Group là chaebol (công ty gia đình) lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, với khối tài sản khoảng hơn 100 tỷ USD.

Sau bê bối, Lotte lên kế hoạch tái xuất trị giá 44 tỷ USD, Việt Nam trong tầm ngắm

Sau một thời gian chững lại vì những bê bối nội bộ gia đình, Lotte Group tái xuất với kế hoạch mới, trị giá 44 tỷ USD trong 5 năm tới. Việt Nam và Indonesia là những thị trường mới nằm trong kế hoạch này.

Tái khởi động hàng loạt kế hoạch 

Tuần qua, Lotte Group đã gây nhiều bất ngờ cho các nhà đầu tư đến các đối thủ khi công bố kế hoạch mới có giá trị 50.000 tỷ won (khoảng 44 tỷ USD) và tạo thêm 70.000 việc làm trong vòng 5 năm tới.

Đây được cho là chỉ thị từ Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin về việc tìm kiếm phương án đưa Tập đoàn tăng trưởng bền vững ngay sau hơn 8 tháng bị giam giữ vì những bê bối của gia đình.  

Trước tiên, Lotte Group sẽ giải ngân khoảng 12.000 tỷ won (10,5 tỷ USD) trong năm 2019. Việt Nam và Indonesia là những thị trường mới nằm trong kế hoạch đẩy mạnh đầu tư này. 

Trong đó, đối với lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tập đoàn này sẽ tập trung nâng cao sức cạnh tranh, giành vị trí số một về phân phối trực tuyến, cung cấp nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng nhờ ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Tập đoàn cũng sẽ tăng cường đầu tư về hạ tầng phân phối, tiếp tục triển khai Dự án Trung tâm thương mại. 

Năm 2008, Lotte Mart đưa vào hoạt động trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM và dự kiến đến năm 2020 mới bắt đầu có lợi nhuận.

Tính đến nay, Lotte Group đã chi 8.913 tỷ đồng đầu tư cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị đang hoạt động tại Việt Nam, cùng với mục tiêu sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020.

Gần đây rộ lên thông tin, sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam, nhà bán lẻ này thua lỗ 117 tỷ won (tương đương 2.300 tỷ đồng) trong khi vốn chủ sở hữu của Lotte Mart chỉ là 1.600 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng lên kế hoạch sáp nhập, thâu tóm trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Ở lĩnh vực thực phẩm, Lotte sẽ tích cực phân tích xu thế, phát triển sản phẩm mới, cải thiện các trang thiết bị sản xuất trong và ngoài nước... 

Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, Lotte Group có số lượng công ty con hoạt động nhiều nhất. Theo ông Kim Chang Kwon, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính Lotte Card (thuộc Lotte Group), sau 22 năm đặt chân vào Việt Nam, hiện Tập đoàn đã có 18 công ty con đầu tư kinh doanh, 308 điểm bán hàng và cửa hàng. Cuối năm 2017, thị trường Việt Nam đóng góp khoảng 1 tỷ USD vào tổng doanh số của Tập đoàn và Lotte Group muốn biến Việt Nam thành thị trường chiến lược.

Đại diện Lotte Group cũng cho biết, sắp tới, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều hoạt động kinh doanh đa dạng hơn nữa như khách sạn, bán lẻ, dịch vụ, xây dựng và nhập khẩu nông sản. Trong đó, bán lẻ sẽ là trọng tâm phát triển. 

Lotte Group đã đầu tư 80 tỷ đồng cho dự án nâng cấp Cửa hàng Lotte Department Store tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng dự định triển khai dự án trồng cây ca cao tại Việt Nam để xuất khẩu sang Hàn Quốc; đầu tư xây dựng Nhà máy EP tại Đồng Nai để cung ứng cho Công ty Samsung Việt Nam. 

Ngoài ra, Lotte Group cũng đang tích cực chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng Dự án Thành phố thông minh Thủ Thiêm tại TP.HCM;

Dự án Lotte Mall Ciputra Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD; xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp, bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày, dự định khởi công vào quý cuối năm 2018 và đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Trước đó, bước thủ tục pháp lý cuối cùng trong thương vụ mua lại Techcom Finance của Lotte Card với giá trị 87,5 tỷ won (tương đương 1.734 tỷ đồng) đã được hoàn tất.

Thông qua đó, Lotte sẽ trở thành công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép phát hành thẻ tín dụng tại Việt Nam. Hiện ở Việt Nam, Lotte Card có khoảng 1,5 triệu khách hàng tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm mua bán. 

Gần đây nhất, Lotte Accelerator - quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho start-up với nguồn vốn quản lý khoảng 85 triệu USD thuộc Lotte Group cũng tuyên bố sẽ đầu tư vào 100 start-up Việt ở giai đoạn đầu, thông qua Vietnam Silicon Valley. Kế hoạch này được đầu tư trong vòng 3 năm tới và thời gian đầu tư vào các start-up kéo dài 5 - 7 năm. 

Sống “bách lão” nhờ công nghệ 

Tại Hàn Quốc, có khá nhiều chaebol (công ty gia đình), nhưng quyền lực nổi lên nhất thuộc về Hyundai Motor Company, SK Group, Samsung, LG và Lotte Group.

Những tập đoàn này đã và đang trở thành những đối thủ đáng gờm nhất trong các lĩnh vực chi phối nền kinh tế toàn cầu. Lotte Group  là chaebol lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, với khối tài sản khoảng hơn 100 tỷ USD.

Trong hàng chục năm qua, tình cảm của người dân Hàn Quốc đối với các chaebol đã nhiều lần đổi chiều theo hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của từng thập kỷ.

Tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau và cạnh tranh gay gắt, các chaebol Hàn Quốc đều nhận ra năng lực công nghệ sẽ là yếu tố quyết định liệu họ sẽ “tàn phai” như Daewoo hay sẽ trở thành những thế lực sống “bách lão”.

Chẳng hạn, sau khi Apple khởi động cuộc đua smartphone, Samsung là tên tuổi đầu tiên vươn lên cạnh tranh với chiếc Galaxy S. Sau vài năm, Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới.

Ngày nay, khi cuộc cách mạng smartphone nguội lạnh, Samsung và LG đang là 2 thế lực đi đầu trong cuộc chiến nhà thông minh/Internet of Things sắp bùng nổ.

Lotte Group cũng không đứng ngoài cuộc chơi về công nghệ. Minh chứng trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, Lotte Department Store sẽ áp dụng công nghệ kỹ thuật vào không gian mua sắm. 

Theo ông Eom Sun Woong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Shopping Plaza Việt Nam, xu hướng công nghệ 4.0 đang thay đổi ngành hàng bán lẻ, theo đó, Lotte đầu tư trang bị những ứng dụng công nghệ số, cải thiện khả năng tương tác sản phẩm của khách hàng với màn hình điện tử đa chức năng - Smart Brochure; ứng dụng công nghệ chip cảm biến - Smart hanger.

Đây là một trong những bước đi đầu tiên, nằm trong chiến lược dài hạn của Lotte, hướng tới xây dựng không gian mua sắm giống một “thành phố thu nhỏ”, nơi người tiêu dùng có thể trải nghiệm mọi tiện ích. Mô hình này đã được áp dụng tại các trung tâm mua sắm lớn tại Paris, London, New York…

Những động thái trên cho thấy, các tập đoàn tài phiệt gia đình của Hàn Quốc không bao giờ chậm chân với thời thế.

Tuy nhiên, sau hàng loạt bê bối về quyền lực chính trị và tình trạng tham nhũng của lãnh đạo đứng đầu các chaebol, tình cảm của người dân dành cho họ đang ngày càng ít đi. Hơn nữa, người dân mất niềm tin khi lãnh đạo của các chaebol vẫn được “giơ cao đánh khẽ”.

Ông Lee Kun Hee, Chủ tịch Samsung từng hai lần được ân xá do Chính phủ lo ngại những ảnh hưởng của sự việc đối với nền kinh tế. Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group, bị buộc tội tham ô, cũng được ra tù trước thời hạn. Và giờ đến lượt Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin cũng được ra tù sau 8 tháng.

Hai năm trước, những bê bối, từ đấu tranh quyền lực trong nội bộ gia đình, đến chuyện hối lộ quan chức, lập quỹ đen, biển thủ tiền… đã kéo Lotte Group xuống dốc, nhiều kế hoạch phải hoãn hoặc hủy.

Dù việc tranh chấp “ngôi vương” thường diễn ra trong các chaebol, nhưng trường hợp của Lotte là ngoại lệ, bởi nó đi ngược lại với truyền thống Nho giáo vốn quen thuộc với người Á Đông, khi con trai lại chiếm quyền, lật đổ chính cha đẻ. Không ít người dành những lời lẽ đầy chua cay khi cho rằng, đây là cuộc chiến anh thua em, cha thua con.

Tháng 6/2016, “đại hạn” tiếp tục giáng xuống Lotte khi tập đoàn này vướng nghi án sử dụng một công ty ma ở Việt Nam để phục vụ cho quỹ đen.

Được biết, đến thời điểm đó, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc và các công tố viên đã xác định được 5 hoặc 6 công ty “vỏ bọc” tham gia vào các giao dịch của Lotte.

Tuy nhiên, đại diện Lotte Group khẳng định, những bất ổn trong nội bộ Tập đoàn tại Hàn Quốc không ảnh hưởng đến các đơn vị trong hệ thống Lotte đang hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, do các đơn vị hoạt động độc lập. 

Sự tái xuất của Chủ tịch Shin Dong-bin với kế hoạch đầu tư 44 tỷ USD cho thấy, Lotte muốn cùng với Samsung và Toyota trở thành các siêu tập đoàn tại thị trường châu Á trong những năm tới. 

Mặc dù vậy, giới chuyên môn cho rằng, Lotte phải cải thiện hoạt động quản trị một cách cơ bản, bởi các chủ sở hữu và công ty con của Lotte có một sự sở hữu đan chéo cổ phần lòng vòng hết sức phức tạp.

Cấu trúc này được thiết kế một phần nhằm đảm bảo ngăn chặn không để một khối lượng lớn cổ phần nào bị sa vào tay đối thủ, nhưng đồng thời, nó cũng ẩn chứa rủi ro, khi một vấn đề tài chính phát sinh từ một công ty nào đó trong tập đoàn cũng có thể dễ dàng lan tỏa và ảnh hưởng đến phần còn lại.

Tin bài liên quan