Sản phẩm xanh, năng lượng sạch: Sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp

Sản phẩm xanh, năng lượng sạch: Sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp

(ĐTCK) Kinh tế xanh là xu thế tất yếu của các quốc gia nhằm phát triển bền vững, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực góp sức thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Sản phẩm thân thiện với môi trường

Một trong những doanh nghiệp đang đi đầu trong việc kết hợp kinh doanh với vấn đề bảo vệ môi trường là An Phát Holdings.

Túi nilon vốn là thói quen sử dụng của người tiêu dùng Việt Nam, trong khi đó, rác thải từ túi nilon cần tới vài trăm năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Việc hạn chế sử dụng túi nilon được nhiều cá nhân, tổ chức tích cực tuyên truyền, nhưng việc hạn chế sử dụng không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm này.

Nhìn rõ mối nguy cơ từ sản phẩm túi nilon truyền thống, An Phát Holdings đã tiên phong ngành nhựa Việt Nam sản xuất loại túi tự hủy. Sản phẩm tới nay đã được phát triển đến mức nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm là bột ngô có khả năng tự hủy trong vòng 1 năm sau khi chôn xuống đất.

An Phát đặt mục tiêu phát triển nhanh mạnh, lấy bao bì tự hủy làm sản phẩm sản xuất và kinh doanh chủ lực trong tương lai theo xu thế tiêu dùng tất yếu của thế giới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và bán hàng sang các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về tầm nhìn này, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Phát Holdings cho biết, nhiều năm trước, Tập đoàn đã xác định theo đuổi mục tiêu trở thành doanh nghiệp hiện đại, tức là gắn liền với tầm nhìn xa, phát triển bền vững - mang lại lợi ích cho xã hội và thân thiện với môi trường là yếu tố quan trọng tạo nên mô hình đó.

Nhu cầu của khách hàng và xu thế thay đổi của thị trường chính là hai yếu tố quan trọng nhất định hướng cho sự thay đổi của Tập đoàn.

Nếu như trước đây, khách hàng có thói quen mua sắm các sản phẩm thông thường để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống thì nay họ đòi hỏi cao hơn như sản phẩm đó ngoài việc đáp ứng yêu cầu sử dụng thì có độc hại hay không, có tốt cho sức khỏe không… Chính sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng là động lực để Tập đoàn phấn đấu trở thành doanh nghiệp xanh.

Sản phẩm của Tập đoàn đã được xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính và yêu cầu rất cao như Nhật Bản, châu Âu… 

Năng lượng sạch

Tại Việt Nam, số lượng dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch như điện mặt trời ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, tính tới tháng 7/2018, đã có 83 dự án điện mặt trời được đăng ký, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 124.600 tỷ đồng.

Ngành năng lượng sạch tại Việt Nam được Nhà nước dành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, trong đó có những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% nào năm 2050.

Bên cạnh các tập đoàn lớn nước ngoài liên tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này, một số doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có những bước tiến mới trong ngành năng lượng sạch.

Chẳng hạn, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng. Mục tiêu của TTC đến năm 2020 đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió - chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại 222 MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150 MW chiếm 11%.

Cùng với đó, TTC triển khai mở rộng giải pháp năng lượng sạch vào các công trình khác như cho ra đời dự án điện mặt trời mái nhà tại các khu nhà ở do thành viên Tập đoàn thực hiện.

Một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phẩn Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa sản phẩm máy nước nóng năng lượng mặt trời vào Việt Nam từ năm 2003.

Hiện nay, bên cạnh nhiều dòng sản phẩm chất lượng, SHE còn bắt tay với Tập đoàn ASV, một trong hai tập đoàn sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn của Ấn Độ, để phân phối sản phẩm máy phát điện mặt trời trên mái nhà.

Thị trường năng lượng sạch ở Việt Nam có không ít thách thức để đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và kỹ thuật, nhưng đang dần rộng mở với nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp nội đang cùng với các doanh nghiệp ngoại góp phần hiện thực hóa mục tiêu năng lượng quốc gia đã đặt ra.       

Tin bài liên quan