Nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Vietnam Airlines, sẽ được cổ phần hóa trong năm 2014-2015

Nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Vietnam Airlines, sẽ được cổ phần hóa trong năm 2014-2015

Săn cơ hội mới từ thị trường M&A

Việt Nam chuẩn bị chứng kiến làn sóng của những cuộc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào lại “hàng khủng”, cũng như các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đúng nghĩa và chiến lược thâu tóm để tăng trưởng đột phá của khối doanh nghiệp tư nhân.

Làn sóng thứ nhất

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong giai đoạn 2008 - 2013, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng M&A được ghi nhận là làn sóng thứ nhất. Làn sóng này diễn ra trong bối cảnh biến động của thị trường chứng khoán, nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc và tồn tại vượt qua khủng hoảng.

Các hoạt động M&A manh nha tại Việt Nam trên cơ sở pháp lý của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác còn chưa đồng bộ. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn kinh tế trong và ngoài nước, trong giai đoạn này, thị trường M&A đã tăng trưởng 5 lần, từ mốc 1 tỷ USD đến 5 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh như Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… Trong giai đoạn này, đã xuất hiện những thương vụ lớn như lựa chọn đối tác chiến lược của các ngân hàng (Vietcombank - Mizuho,  Vietinbank - Mitsubishi Bank), đặc biệt là các thương vụ mua lại để phát triển thị trường của các đối tác Nhật Bản và ASEAN như Unicharm (Nhật Bản), SCG (Thái Lan), Fortis Healthcare International (Ấn Độ)... 

Tuy nhiên, các thương vụ trong giai đoạn này chưa mang tính chiến lược tổng thể, mà phụ thuộc vào động thái của một số doanh nghiệp. Ngoài các thương vụ mang tính hệ thống và chủ động của Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Kinh Đô, Tập đoàn Vingroup, Viettel, đa phần các thương vụ trong giai đoạn này là lựa chọn đối tác chiến lược (bán cho một đối tác nước ngoài với tỷ lệ 20 - 40%), hoặc bán hoàn toàn doanh nghiệp (51 - 100%). Các thương vụ này thường được hoàn tất trên cơ sở nỗ lực của các quỹ đầu tư và các tổ chức tư vấn M&A.

Làn sóng thứ hai?

Mặc dù M&A tại Việt Nam vẫn tồn tại những rủi ro, song dự báo xu hướng M&A sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai do các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… đều dự kiến sẽ thực hiện ít nhất một thương vụ tại Việt Nam. Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam cho rằng, có nhiều cơ sở để tin về làn sóng M&A thứ hai trên thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, về pháp lý, giai đoạn 2014 - 2018, hoạt động M&A tại Việt Nam có nền tảng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Các luật được Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, về chương trình và những cam kết cổ phần hóa của Chính phủ, Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014 - 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, kiên quyết thực hiện bài bản, có lộ trình việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015, đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các doanh nghiệp nhà nước cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Đặc biệt, những công ty, tập đoàn nhà nước lớn sẽ được cổ phần hóa giai đoạn này như Vietnam Airlines, MobiFone, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, xi măng, thép, các doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải… sẽ là nguồn hàng quan trọng cho các thương vụ M&A và lựa chọn đối tác chiến lược lớn.

Chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cùng với hoạt động M&A tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua là cơ sở của làn sóng M&A thứ hai được dự báo sẽ diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2018. Làn sóng M&A này sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng.

Thứ ba, về tính chất của hoạt động M&A tại Việt Nam. So với giai đoạn thứ nhất, hiện hoạt động M&A tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới. M&A không còn mang tính chất sự vụ, mà là chiến lược đầu tư của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp (cả khối nhà nước và tư nhân) đã lựa chọn M&A là chiến lược tăng trưởng đột phá.

Với những cơ sở và diễn biến đó, làm thế nào để tận dụng cơ hội trong làn sóng thứ hai tại Việt Nam? Những cơ hội cụ thể nào sẽ lộ diện trong giai đoạn này? Những khác biệt nổi bật trong chiến lược M&A của giai đoạn này với giai đoạn thứ nhất là gì?...

Các vấn đề trên sẽ được đề cập và trao đổi tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014. Đây được coi diễn đàn mở đầu cho giai đoạn 5 năm dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ của hoạt động M&A tại Việt Nam.

Tin bài liên quan