R&D: Chìa khóa để đột phá

R&D: Chìa khóa để đột phá

(ĐTCK) Đầu tư bài bản cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là chiến lược đã giúp nhiều doanh nghiệp tạo bước đột phá trong đổi mới công nghệ, sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quy trình sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, hoạt động R&D tại không ít doanh nghiệp vẫn đang bị bỏ ngỏ, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vũ khí cạnh tranh

Năm 2018, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) đạt doanh thu thuần 3.637 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 259 tỷ đồng, lần lượt vượt 11,2% kế hoạch doanh thu và 25,7% kế hoạch lợi nhuận.

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức đầu tháng 5/2019, bên cạnh việc thông qua chi trả cổ tức bằng tiền theo kế hoạch dự kiến trước đó, 99,99% cổ đông tham dự đại hội đồng ý trích 20% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tương đương 40,9 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp RAL duy trì tỷ lệ trích 20% lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, trở thành một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ trích lợi nhuận đầu tư, nghiên cứu khoa học, công nghệ thuộc top đầu trong các doanh nghiệp trên sàn niêm yết.

Một số đề tài nghiên cứu đã được RAL thực hiện trong những năm qua có thể kể đến như RAL làm thành viên đứng đầu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm Led dùng trong chiếu sáng nhân tạo công nghệ cao tại Việt Nam” với kinh phí dự kiến khoảng 81 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ tháng 11/2016.

Trước đó là đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” thực hiện cho Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 12/2013.

Chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ, RAL là một trong số ít doanh nghiệp sớm thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển từ năm 2011, với hơn 40 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn.

R&D giúp RAL liên tục giới thiệu các dòng sản phẩm mới, duy trì tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 13%/năm, trong bối cảnh thị trường sản phẩm chiếu sáng LED tại Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với trên 20 công ty nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất, hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh ngày càng suy giảm.

Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 30%/năm và 80%/năm trong giai đoạn 2018 - 2018, dù hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá nhân tạo bị cạnh tranh khốc liệt, các dòng sản phẩm nhanh lỗi thời và mẫu mã dễ bị đối thủ sao chép. Bí quyết thành công, theo VCS, đến từ việc nghiên cứu, đổi mới.

VCS cho biết, để duy trì lợi thế cạnh tranh, vị thế thương hiệu, đảm bảo giá bán và tỷ suất lợi nhuận, Công ty liên tục nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới, không ngừng phát triển những dòng sản phẩm mới phù hợp và đón đầu xu hướng tiêu dùng, tạo nên sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm cũng như đáp ứng được thị hiếu của khách hàng với “mỗi thiết kế sản phẩm được ví như một tác phẩm nghệ thuật”.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCS, đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa, đơn vị đang sở hữu 81% vốn của VCS cho hay, Phenikaa hiện có 4 trung tâm, phòng R&D, 3 viện nghiên cứu và trường đại học. Ngoài Quỹ khoa học và công nghệ với quy mô ban đầu 500 tỷ đồng, mỗi năm, Tập đoàn còn trích 1 - 2% doanh thu làm kinh phí nghiên cứu và phát triển.

Trong lĩnh vực dược phẩm, vốn thường xuyên đòi hỏi chi phí nghiên cứu và phát triển lớn, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpham (IMP) thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ ở mức 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm khá đều đặn. Trong đó, phần lớn được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Việc đầu tư mạnh R&D cho thấy sự phù hợp với định hướng chiến lược trong dài hạn của IMP là tập trung phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, sử dụng nguyên liệu chất lượng tốt và chấp nhận giá bán cao hơn so với các đối thủ.

Riêng trong năm 2018, phòng R&D của IMP đã nghiên cứu và đưa ra thị trường 17 sản phẩm mới, tăng 4 sản phẩm so với năm 2017; phối hợp cùng các bệnh viện công bố nghiên cứu EACRI cho sản phẩm Bactamox 1g, đã chứng minh tác dụng điều trị của sản phẩm lên đến 97,2%; phối hợp với các viện nghiên cứu trong nước để thử tương đương sinh học cho 2 sản phẩm mới, nâng số sản phẩm chủ lực đã được chứng minh tương đương sinh học với thuốc gốc lên con số 9.

Hiện thực hóa vào kết quả kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của IMP tăng trưởng bình quân lần lượt là 7,7% và 17,9% trong giai đoạn 2014 - 2018.

Đặc biệt, IMP trở thành một trong những doanh nghiệp dược nội địa đầu tiên đủ khả năng tham gia vào thị trường thuốc kê toa của các gói thầu Generics Nhóm 1 và Nhóm 2 tại Việt Nam.

Ngoài ra, với các nhà máy và dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP, sản phẩm của Công ty có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm châu Âu, châu Mỹ, vốn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Động lực đến từ chính doanh nghiệp

Hoạt động R&D ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, giúp tạo ra đột phá trong sản xuất, tạo ra sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá trị cao hơn. Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới R&D, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Số liệu thống kê từ nghiên cứu “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế” thực hiện bởi Vụ Đông Á - Thái Bình Dương, Khối Thương mại và Cạnh tranh thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%). Số doanh nghiệp chi đầu tư R&D ở các công ty nhỏ khá thấp (9%) so với các công ty vừa và lớn (26%).

R&D: Chìa khóa để đột phá ảnh 1

Chi tiêu cho R&D tại Việt Nam. Nguồn: “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế”.

Từ phía chính sách, cơ quan quản lý nhà nước đã có những cơ chế ủng hộ cho hoạt động R&D, từ Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 7/10/2014 đến Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 cho phép doanh nghiệp nhà nước hàng năm trích từ 3 - 10% lợi nhuận tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (với doanh nghiệp ngoài nhà nước, tỷ lệ trích tối đa từ lợi nhuận tính thuế là 10%).

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà chi đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới. Một số doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ hàng năm, nhưng không dùng đến, sau đó phải hoàn nhập.

Chẳng hạn, tháng 3/2011, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đã thông qua nghị quyết về việc trích lập tối đa 10% lợi nhuận tính thuế mỗi năm vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Giai đoạn 2013 - 2015, khi lợi nhuận của Công ty còn ở mức cao, mỗi năm, PVD trích từ 200 - 300 tỷ đồng cho Quỹ, số dư đến cuối năm 2015 lên đến 1.121 tỷ đồng.

Trích lập lớn, nhưng con số sử dụng khá hạn chế, tính đến cuối năm 2018, giá trị lũy kế mà Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng mới đạt 126,6 tỷ đồng, tương đương hơn 10% giá trị trích lập.

Trong 3 năm gần đây, PVD liên tục phải hoàn nhập Quỹ vào lợi nhuận và nộp thuế do hết thời hạn khấu trừ thuế 5 năm nhưng chưa sử dụng hết trên 70% Quỹ đã trích theo quy định. Cụ thể, năm 2016, Công ty hoàn nhập 81,1 tỷ đồng, năm 2017 hoàn nhập 627,3 tỷ đồng, năm 2018 là 142,4 tỷ đồng, ghi nhận vào thu nhập khác.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết, ở các nước phát triển, khi hoạt động R&D được thực hiện tốt có thể tạo ra 30 - 35% giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ.

Ngược lại, đầu tư vào R&D có chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả có thể không như mong muốn…, khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà dành chi phí cho R&D, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ - có xu hướng tập trung vào giá trị sản phẩm, dịch vụ trước mắt hơn là R&D, xây dựng thương hiệu.

Không thể phủ nhận vai trò R&D trong sự đổi mới, phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng và quyết tâm của chính doanh nghiệp.

Tin bài liên quan