Quảng cáo rượu, cấm cho vui?

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP - Bộ Y tế) vừa ban hành Quyết định thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 2449/2013/ATTP-XNCB với sản phẩm thực phẩm chức năng (mà thực chất là một số loại rượu ngâm thuốc Bắc của Công ty cổ phần Sao Thái Dương) do vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm.
Quảng cáo rượu, cấm cho vui?

Đây là hành động cần thiết, song qua đó có thể thấy, còn có nhiều lỗ hổng lớn trong quá trình giám sát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Sai phạm đã rõ, nên việc phạt doanh nghiệp có lẽ là chuyện không cần phải bàn cãi, nhưng câu hỏi rất lớn được đặt ra là, với một sản phẩm nằm trong diện cấm quảng cáo, nhưng doanh nghiệp dựa vào đâu mà dám quảng bá công khai, thậm chí tới mức ầm ĩ trên nhiều phương tiện thông tin chính thống?

Cho dù Cục ATVSTP đã nhận được thông tin phản ánh rằng, Công ty Sao Thái Dương tiếp thị sản phẩm rượu, nhưng lại quảng bá là “thực phẩm chức năng” thì cũng phải thấy rằng, nếu không có ý kiến của chính cục này, khi xác nhận “Rockmen12 thuộc nhóm sản phẩm chức năng” tại Văn bản số 438/2014/XNQC-ATTP, thì doanh nghiệp đâu dễ lập lờ đánh lận con đen gây bức xúc trong dư luận. (!?)

Quảng bá không đúng công dụng, tính năng của sản phẩm, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm chức năng không phải là hành vi hiếm thấy trong thực tế bùng nổ thông tin hiện nay. Những dây chuyền bán hàng đa cấp vòng vèo, với các lời quảng cáo “có cánh” về tác dụng bất ngờ của không ít sản phẩm thực phẩm chức năng đã khiến khách hàng dễ bị rơi vào mê hồn trận. Tuy nhiên, việc xử phạt các hành vi này còn ở mức độ rất hạn chế.

Thời gian qua, Cục ATVSTP đã xử lý 7 trường hợp vi phạm đều liên quan đến thực phẩm chức năng, song số tiền phạt của cả 7 vụ nói trên tổng cộng chỉ là 156 triệu đồng.

Trong Báo cáo thường niên năm 2013 vừa được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố, cả năm 2013, chỉ có 2 vụ quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị xử lý, giảm mạnh so với các con số của các năm 2012 và 2011 lần lượt là 37 và 33 vụ. Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng, phổ biến nhất là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn cho khách hàng về tính năng, công dụng của sản phẩm. Đặc điểm của dạng hành vi này không thay đổi nhiều so với những năm trước, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo sai đều là các công ty sản xuất và phân phối các loại thực phẩm chức năng.

Nhận định của Báo cáo thường niên này còn đáng chú ý hơn ở chỗ, số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh do Cục Quản lý cạnh tranh xử lý trong năm 2013 giảm mạnh chủ yếu là do gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý liên quan đến thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Nếu trước đây, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã quy định thẩm quyền phạt tiền tối đa của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh là 70 triệu đồng, thì nay Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ tháng 7/2013) đã không quy định thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục này. Điều này khiến cơ quan quản lý cạnh tranh gặp vướng mắc về thẩm quyền xử lý và phải tạm ngừng công tác xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, để tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Cho dù Bộ Công thương hiện đã hoàn thành và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 120/2005/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh nhằm làm rõ vấn đề thẩm quyền xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh của thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, nhưng nhanh nhất thì cũng phải vài tháng nữa, Nghị định thay thế mới được ban hành và có hiệu lực.

Dĩ nhiên, hiện tại, những điểm yếu hay lỗ hổng của các văn bản pháp luật hiện hành đang được các doanh nghiệp muốn nổi nhanh lợi dụng triệt để nhằm giành giật thị phần.

Tin bài liên quan