Nỗ lực minh bạch trong kinh doanh và đứng vững trong hội nhập là những mục tiêu của nhiều DN đại chúng - Trong ảnh: vinh danh 10 DN có tiến bộ nhất về điểm minh bạch trên HNX 2015

Nỗ lực minh bạch trong kinh doanh và đứng vững trong hội nhập là những mục tiêu của nhiều DN đại chúng - Trong ảnh: vinh danh 10 DN có tiến bộ nhất về điểm minh bạch trên HNX 2015

Quản trị sự thay đổi để thích ứng với hội nhập

(ĐTCK) Những bài học từ gia nhập WTO rất rõ ràng khiến việc tham gia TPP của cộng đồng DN Việt lần này không quá nhiều cảm xúc, mà thay vào đó là một sự chín chắn hơn khi nhận thức về cơ hội và thách thức. 

Thách thức lớn nhất mà các DN Việt phải đối mặt là độ mở của nền kinh tế càng lớn thì những biến đổi của môi trường kinh doanh ngoài biên giới càng dễ tác động đến DN. Làm thế nào để thích ứng với những thay đổi để tiếp tồn tại đã là một vấn đề không nhỏ trước khi nói đến nắm bắt cơ hội từ thị trường TPP rộng lớn.

Trong một cuộc gặp với nhà đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã chia sẻ, Hòa Phát được như ngày hôm nay là nhờ kiên định với chiến lược phát triển của mình.

“Cũng có người chê chúng tôi là bảo thủ, là nhát, nhưng tôi hiểu rõ không thể thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, ông Long tâm sự.

Trong quá khứ, khi mà thị trường coi trọng những DN có khoản đầu tư tài chính hay đầu tư bất động sản lớn, Hòa Phát không được đánh giá cao trên TTCK. Đến khi bong bóng vỡ, những giá trị thực lên ngôi và Hòa Phát là một trong số ít DN tạo dựng được cho mình chuỗi giá trị gia tăng trong quy trình sản xuất thép khép kín từ quặng.

Thế nhưng, không phải một mình Hòa Phát đầu tư công nghệ này. Vậy mà các DN khác sở hữu công nghệ như Hòa Phát lại thành công. Đấy là sự khác biệt ở “phần mềm” DN liên quan đến quản trị sản xuất, quản trị phân phối, bán hàng…

Một bài học thành công khác được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây là Coteccons, DN xây lắp trong vai trò là tổng thầu thiết kế - thi công đứng đằng sau các dự án bất động sản “hot” nhất trên thị trường hiện nay. Coteccons chỉ tập trung vào lĩnh vực chính của mình là thầu xây dựng bằng việc nâng cao trình độ bền bỉ qua nhiều năm để đạt đến trình độ đảm nhận thiết kế - thi công những dự án lớn. Đó là sự kiên định của DN. Nhưng nếu chỉ có vậy, Coteccons đã không thành công đến thế.

DN này còn tự xây dựng cho mình giá trị cạnh tranh mềm, đó là kinh nghiệm phát triển dự án, nên có khả năng tư vấn ngược lại cho chủ đầu tư về thiết kế căn hộ, về nội thất, tổng thể dự án, định vị khách hàng… để làm sao dự án khả thi và hiệu quả nhất. Đó chính là lý do, những chủ đầu tư mới xuất hiện hay chưa có nhiều danh tiếng trên thị trường như Đầu tư Thảo Điền, Phúc Khang, An Gia… lại lựa chọn Coteccons làm thầu thiết kế - thi công dự án như một sự bảo chứng trước khách hàng không chỉ về tiến độ và chất lượng xây dựng mà cả về sự hấp dẫn chung của dự án.

Trải qua giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, các DN Việt Nam đều nhận ra rằng, sự kiên định với chiến lược kinh doanh cốt lõi, xây dựng chuỗi giá trị gia tăng của mình chính là giải pháp tốt nhất để vượt qua những biến đổi của môi trường kinh doanh. Sau giai đoạn củng cố hoạt động cốt lõi, các DN đang chuyển sang giai đoạn 2 là trau chuốt để DN mình trở nên tinh xảo hơn.

Ngày càng nhiều DN đưa ra những khẩu hiệu mạnh mẽ về sự năng động để thích nghi với những thay đổi của thị trường bên ngoài. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen thì nhấn mạnh yếu tố chiến lược canh trạnh: “Chúng ta phải lấy sáng tạo để thắng kinh nghiệm, lấy năng động để thắng quy mô, lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế của người đi sau, trước mắt là đuổi kịp DN lớn nước ngoài, sau đó mới mong muốn vượt qua họ được”. Tổng giám đốc Viettel, ông Nguyễn Việt Hùng gửi thông điệp đến nhân viên trong Ngày sáng tạo rằng: “Hãy để việc sáng tạo trở thành điều bình thường, giản dị đến mức đương nhiên trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày của chúng ta”.

Yếu tố được nhấn mạnh trong thông điệp của các nhà quản trị điều hành DN Việt Nam hiện nay không gì khác là sáng tạo, năng động. DN Việt Nam nhận ra rằng, không thể phát triển mà không có sáng tạo. Đó là xu thế cạnh tranh và phát triển của DN toàn thế giới.

Việt Nam chưa có DN đủ lớn, đủ sáng tạo để tạo ra những thay đổi trên thị trường hay trên thế giới nhưng thích nghi với thay đổi của thị trường, đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng cũng đã là một thách thức rất lớn trong bối cảnh môi trường kinh doanh luôn thay đổi.

Nhìn vào từng DN, cả những DN thành công và DN chưa thành công, có thể thấy, để thích ứng với sự thay đổi, biến động bên ngoài DN không chỉ cần kiên định với chiến lược kinh doanh cốt lõi, mà còn hoàn thiện các kỹ năng mềm về quản trị, nhân sự, thúc đẩy đổi mới, duy trì sự năng động… Nếu thiếu một trong hai trụ cột này, DN khó thể vượt qua thách thức cũng như nắm bắt cơ hội cho một làn sóng mở cửa và hội nhập mới đã đến.

Tin bài liên quan