Quan điểm tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ

Quan điểm tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ

(ĐTCK) “Người tiêu dùng châu Âu ngày càng có ý thức rõ hơn về các sản phẩm họ mua được sản xuất trong điều kiện môi trường như thế nào, với những sản phẩm đó thì người lao động có được đối xử công bằng hay không?… 

Nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong việc nỗ lực để triển khai hoạt động theo đúng tiêu chuẩn CSR (trách nhiệm xã hội) quốc tế, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện quan hệ lao động do Đại sứ quán Thụy Điển và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức vừa qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, GDP của Việt Nam ước tính có thể tăng thêm 15% và giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%.

EVFTA là hiệp định đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển, sẽ không chỉ giúp gia tăng thương mại, thúc đẩy cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường EU, mà còn cung cấp cho Việt Nam những cơ hội mới để cải thiện tính bền vững và năng lực lao động.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng như điện thoại, thiết bị điện tử, da giày, dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ EU các sản phẩm công nghệ cao bao gồm máy móc thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện vận tải và dược phẩm. Kể từ năm 2013, Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 đối với EU trong 10 nước thành viên ASEAN.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI cho biết, các hiệp định thương mại thế hế mới như EVFTA hay TPP tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên, các điều khoản phi thương mại như các các điều khoản về lao động, môi trường… cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực chú trọng nhiều hơn trong việc thực thi việc tuân thủ, cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm thỏa mãn yêu cầu quy định trong nội dung các hiệp định và xa hơn nữa, là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Trách nhiệm xã hội tới đây sẽ được các công ty nhập khẩu đặt ra rất gay gắt”, ông Thành nhìn nhận.

Theo Đại diện Better Work Vietnam, những mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu chỉ cần bị phát hiện doanh nghiệp có sử dụng lao động trẻ em, thì ngay lập tức những doanh nghiệp đó sẽ nằm trong “danh sách đen” và sẽ bị kiểm tra liên tục.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng, không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền của người lao động. Các doanh nghiệp ở Việt Nam nên chú trọng và hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ CSR, theo những cam kết của chính phủ trong EVFTA”, bà Camilla Mellander cho hay. 

Bà Kristin Palsson (thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Điển) cho biết thêm, quan điểm của chính phủ Thụy Điển là thúc đẩy xuất khẩu và thương mại tự do nên song hành với các tiêu chuẩn cao về đạo đức. Chúng ta nên mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia đối thoại về những thách thức để đạt được điều này. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.

Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… cũng là 2/4 tiêu chuẩn lao động cơ bản trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Được biết, trong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng không đưa ra tiêu chuẩn riêng, mà chỉ khẳng định lại bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. 

Ngoài ra, TPP còn bổ sung thêm nội dung về “những điều kiện lao động có thể chấp nhận được” về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn, sức khỏe nghề nghiệp. Những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động: pháp luật của Việt Nam cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong TPP.

Tin bài liên quan