Điều kiện kinh doanh hàng không sẽ thông thoáng hơn.

Điều kiện kinh doanh hàng không sẽ thông thoáng hơn.

Nới lỏng điều kiện trói chân doanh nghiệp hàng không

Hàng loạt điều kiện gia nhập thị trường trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, cảng hàng không, dịch vụ tại cảng hàng không đang được cân nhắc gỡ bỏ hoặc nới lỏng.

Nới lỏng

Cho đến thời điểm này, điều kiện làm khó các doanh nghiệp nhất khi muốn gia nhập thị trường kinh doanh vận tải hàng không không phải là quy mô vốn, mà chính là việc “phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không”.

“Đây là thực tế mà chúng tôi đã gặp phải khi xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào tháng 8/2016 - một tháng sau khi Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng có hiệu lực”, ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Ngôi sao Việt (Viestar Airlines) cho biết. 

Theo đó, dù hồ sơ được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách, nhưng Vietstar Airlines vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của Chính phủ để có thể tiến hành khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên.

Trong văn bản trả lời Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào tháng 4/2017 về việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Vietstar Airlines, Văn phòng Chính phủ cho biết, do lấy Tân Sơn Nhất là sân bay căn cứ, nên việc chấp thuận chủ trươngđầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của doanh nghiệp này chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Vietstar có thể không cần phải đợi đến khi việc mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất dự kiến phải đến tận năm 2019 mới hoàn thành.

Hãng hàng không có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng này có thể nhận được giấy phép bay sớm hơn nếu chiểu theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không đang được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành (Dự thảo).

Cụ thể, tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất bỏ khoản 1, Điều 5, Nghị định 92 “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Theo đó, việc phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không sẽ được hủy bỏ, đồng nghĩa với việc để lấy được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đồng ý cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực; năng lực sản xuất; tài chính; phương án kinh doanh và điều kiện về trụ sở, địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

Đồng thời sửa đổi thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính “Cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung” để phù hợp với điều kiện kinh doanh.

Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài

Một điểm đột phá nữa trong Dự thảo được các chuyên gia đánh giá rất cao chính là việc Bộ GTVT đề xuất nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Theo đó, tại khoản 3, Điều 8 (điều kiện về vốn) tại Dự thảo, Bộ GTVT quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.

Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó.

Cần phải nói thêm rằng, tại khoản 3, Điều 8, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.

Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Các hãng hàng không cũng chỉ phải thực hiện đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày nếu như thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên.

“Thay đổi này là nhằm phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện hoạt động đầu tư của mình”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không, Dự thảo dự kiến bỏ các điều kiện như: được Bộ trưởng GTVT chấp thuận chủ trương thành lập doanh nghiệp cảng hàng không; được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài; có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp...

Cần nhắc lại, ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng nhằm hướng dẫn triển khai Luật Đầu tư và Luật Hàng không dân dụng.

“Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai nghị định này, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để rà soát, đánh giá lại các điều kiện kinh doanh được quy định trong Nghị định, phát hiện một số vướng mắc cần phải cắt giảm, đơn giản hóa để các doanh nghiệp mới dễ dàng hơn trong việc gia nhập thị trường hàng không dân dụng”, ông Cường cho biết.

Tin bài liên quan