Những màn rượt đuổi để thành cổ đông ngoại của Bảo vệ Thực vật An Giang

Khi một số cổ đông ngoại đua nhau để được thế chân tại AGPPS, thì câu hỏi về dư địa tăng trưởng của công ty này trên thị trường có phình thêm, lại được đặt ra.
Những màn rượt đuổi để thành cổ đông ngoại của Bảo vệ Thực vật An Giang

Sau nhiều lần phủ quyết, nhưng với sự quyết tâm rượt đuổi, Quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) đã đạt được mục đích nắm lượng lớn cổ phần tại AGPPS. Trong thông cáo báo chí chiều ngày 1/10, SCPE cho biết, sẽ tham gia hoạch định chiến lược của AGPPS và hỗ trợ Công ty phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng không cho biết sở hữu bao nhiêu cổ phần tại AGPPS, mà chỉ công bố số tiền bỏ ra mua cổ phần này là 90 triệu USD.

Trước đó, Quỹ VinaCapital đã đồng ý bán 23,6% cổ phần tại AGPPS cho SCPE và thu về 63,1 triệu USD, tương đương 85.000 đồng/cổ phần. Còn lại, DWS Vietnam đang nắm giữ 11% cổ phần của AGPPS và trong danh mục của DWS Vietnam, giá trị khoản đầu tư này là 22,5 triệu USD.

Tương lai hứa hẹn cho AGPPS

Với sự thế chân nhanh chóng của SCPE, có thể xem đây là đòn dứt điểm của AGPPS trong việc tái cơ cấu cổ đông, mở ra trang sử mới.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT AGPPS  tin rằng, cổ đông mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hoạt động của AGPPS ở phân khúc lúa gạo, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, cũng như các hoạt động nhiều hứa hẹn khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu trong những năm tới.

“SCPE sẽ trở thành cổ đông chiến lược, hỗ trợ AGPPS phát triển thành công chuỗi giá trị nông nghiệp. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam và đem đến nhiều giá trị cho nông dân”, ông Thòn cho biết.

Cũng theo ông Thòn, 2-3 năm trở lại đây, AGPPS tìm cách cơ cấu lại cổ đông, vì một số nhà đầu tư không phù hợp với mục tiêu phát triển, nhưng cũng có một số nhà đầu tư phù hợp và thống nhất với tầm nhìn phát triển của Công ty, như Mekong Capital. SCPE và Tập đoàn Jardine Matheson (Anh) là hai nhà đầu tư tiềm năng được AGPPS xem xét. Trong đó, Jardine Matheson là tập đoàn gia đình kinh doanh đa ngành, có văn hóa gần giống với AGPPS, đặc biệt là có thể đầu tư vào AGPPS với thời gian lên tới 50 năm. Tập đoàn này đánh giá cao mô hình chuỗi giá trị lúa gạo của Công ty.

Nhưng dường như SCPE đã nhanh chân hơn, khi  đầu năm nay cho AGPPS vay 70 triệu USD để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn và trung hạn trong việc phát triển cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, dự án này đã vấp phải phản đối của VinaCapital, nhưng theo lý giải của ông Huỳnh Văn Thòn, đây là khoản đầu tư lâu dài và mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo lợi ích, cổ tức bình quân 30%/năm như thời gian qua.

Thách thức dư địa tăng trưởng

Vậy liệu sự “thay máu” cổ đông có giúp AGPPS đạt được tốc độ tăng trưởng tốt hơn?

Trong Nghị quyết tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2014, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: “Tốc độ tăng trưởng của Công ty năm 2013 bị chậm lại. Có thể, đây là con số không được tốt, nhưng trong bối cảnh nhiều công ty phá sản, không tăng trưởng, thì kết quả này cũng không tệ”.

Mặc dù kế hoạch kinh doanh năm 2014 không được thông qua, nhưng AGPPS đã công bố doanh thu nửa đầu năm đạt 200 triệu USD, tương đương 50% kế hoạch năm, lợi nhuận ròng đạt 12 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả kinh doanh đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, yếu tố cơ bản nhất để đánh giá tiềm năng một doanh nghiệp là dư địa tăng trưởng trong tương lai ở mức nào.

Theo tìm hiểu, thị trường thuốc bảo vệ thực vật có 142 công ty. Trong đó, có 5 công ty đa quốc gia, 4 doanh nghiệp nhà nước, 14 công ty cổ phần và 117 công ty trách nhiệm hữu hạn. Thêm vào đó, là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm của Trung Quốc.

Về thị phần thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, đứng đầu khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nằm trong tay Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Syngenta (Thụy Sĩ). Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp dẫn đầu ngành là AGPPS, với thị phần khoảng 26%. Tuy nhiên, gần đây, AGPPS mở rộng sang kinh doanh lúa gạo và thay đổi sứ mạng từ “công ty dẫn đầu thị trường” thành “phục vụ nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn”, nên AGPPS xác định không “chạy đua” thị phần.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho hay, với tư cách là nhà đầu tư, khi đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào, họ đều có mục tiêu phát triển trong một giai đoạn nhất định. Nếu doanh nghiệp đó đạt doanh thu hay lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng tốt, thì các nhà đầu tư không cần can thiệp, hoặc không cần là thành viên HĐQT, thì công ty vẫn phát triển tốt. Nhưng khi đã đạt được con số mong muốn, nhóm nhà đầu tư sẽ muốn góp ý nhiều hơn vào chiến lược để có thể có sự đột phá hơn.

Với trường hợp AGPPS, theo ông Andy Ho, nhóm cổ đông gặp khó khăn, vì bất đồng quan điểm trong mục tiêu chiến lược. “Tình trạng này kéo dài 2-3 năm, nhưng VinaCapital vẫn không thoái vốn, vì mục tiêu phát triển vẫn đáp ứng và quan trọng hơn, chưa có được mức giá mong muốn. Nhưng một phần cũng vì chúng tôi nhìn thấy tốc độ tăng trưởng của AGPPS giảm nhiều so với trước kia, nên muốn tìm cơ hội khác”, ông Andy Ho nói.

Dĩ nhiên, AGPPS cũng nhận ra những thách thức. Với lợi thế là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, AGPPS có cơ hội đặc biệt hơn trong việc mở rộng danh mục sản phẩm khác nhau, ngoài ngành kinh doanh chủ lực là thuốc bảo vệ thực vật nhằm duy trì tốc tăng trưởng. Trong đó, với thách thức liên quan đến dung lượng thị trường sẽ bị ảnh hưởng do mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật khó có thể tăng vì diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm. AGPPS mở rộng xuất khẩu (trước mắt là thị trường Campuchia, Lào) và đa dạng hóa dòng sản phẩm, nhằm phát huy hiệu quả tối đa của kênh phân phối.

Riêng lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu, do những rào cản gia nhập lớn, nên chỉ những công ty lớn như AGPPS mới đủ tiềm lực đầu tư để gia nhập ngành. Đây là sự đa dạng hóa hợp lý trong chiến lược của AGPPS, nhằm tạo sự tích hợp dọc trong chuỗi giá trị, tiến tới cung cấp các giải pháp trọn gói: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và tiêu thụ nông sản, từ đó tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao.

Sự đồng hành ăn ý của nhóm cổ đông ngoại mới, liệu có đem lại kỳ vọng về thành công trong chuỗi giá trị lúa gạo theo đúng chiến lược của AGPPS giai đoạn 2014 - 2019 hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng những lo ngại của nhóm cổ đông mới thoái vốn cũng khiến AGPPS không thể làm ngơ.

Tin bài liên quan