Những doanh nghiệp Việt tỷ USD

Những doanh nghiệp Việt tỷ USD

(ĐTCK) Hầu hết doanh nghiệp tỷ USD hôm nay đều đã trải qua chặng đường đầy gian nan và thách thức. Với ý chí vươn lên, nỗ lực không ngừng tìm những động lực phát triển mới, có thể kỳ vọng thế hệ doanh nghiệp tỷ USD sẽ tiếp tục đưa thương hiệu Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.

Những doanh nghiệp niêm yết chạm mốc vốn hóa tỷ USD

Chiếm số lượng đông đảo trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD là nhóm ngành tài chính - ngân hàng với các thương hiệu Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG), MBBank (MBB), ACB, Sacombank (STB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB), HDBank (HDB).

Theo sau là nhóm ngành bất động sản với các doanh nghiệp Vingroup (VIC), Novaland (NVL), Vincom Retai (VRE), Vinhomes (VHM). Nhóm ngành hàng không có Vietjet (VJC); nhóm ngành bán lẻ có Đầu tư Thế giới di động (MWG); thực phẩm - đồ uống có Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Massan (MSN); ngành dầu khí có PV Gas (GAS), Petrolimex (PLX)… Giá trị vốn hóa của nhóm doanh nghiệp tỷ USD chiếm 3/4 tổng giá trị vốn hóa trên cả 2 sàn.

Điểm qua các doanh nghiệp trong tốp vốn hóa tỷ USD hiện nay không khó để nhận ra đây đều là những cái tên quen thuộc, thậm chí ngay cả với nhiều người không phải là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi độ phủ rộng khắp của thương hiệu, vị thế và uy tín trong lĩnh vực hoạt động.

Xét về doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD chính là những doanh nghiệp có quy mô dẫn đầu thị trường. Riêng về doanh thu, 15 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD đồng thời có doanh thu vượt mức 1 tỷ USD trong năm 2017. Xét về lợi nhuận, một số doanh nghiệp có mức lợi nhuận trước thuế lên đến hàng trăm triệu USD như VNM (khoảng 530 triệu USD), HPG (khoảng 400 triệu USD), VIC (khoảng 390 triệu USD)…

Song song với kết quả kinh doanh tăng trưởng là giá trị thương hiệu được khẳng định, ghi dấu ấn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Trong danh sách 40 công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2018 do Tạp chí Forbes bình chọn, thương hiệu Vinamilk được định giá 2,28 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 và tăng hơn 50% so với năm 2016. Cũng trong danh sách này, thương hiệu của một loạt doanh nghiệp khác như Sabeco, VietinBank, Vietcombank, Vinhomes, Bảo Việt… được định giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD.

Trước đó, trong danh sách 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 do Brand Finance công bố với tổng giá trị đạt 11,27 tỷ USD, Vinamilk, Vinhomes, Sabeco… là những cái tên quen thuộc trong tốp đầu.

Sự ghi nhận của các tổ chức đánh giá độc lập như là sự khẳng định thành quả các doanh nghiệp đạt được. Lúc này, quy mô vốn hóa trên sàn chứng khoán là hệ quả tất yếu phản ánh tầm vóc, giá trị của doanh nghiệp.

Thành công đã rõ ràng, tuy vậy, nhìn lại chặng đường để có được ngày hôm nay, hầu hết doanh nghiệp tỷ USD đều đã trải qua không ít chông gai. Nhưng sự khác biệt trong tư duy chiến lược, cách đối mặt và giải quyết khó khăn đã làm nên thành công, trong khi nhiều đối thủ cùng thời thất bại.

Vingroup, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với các dự án tỷ USD từ Bắc chí Nam, thành lập 17 năm trước với vốn điều lệ 196 tỷ đồng, tương đương quy mô nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường hiện nay.

Chặng đường của Vingroup đã ghi nhận dấu ấn là doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn thành công trên thị trường quốc tế vào năm 2009 và năm 2012. Bước đi táo bạo này đem lại hàng trăm triệu USD, tạo động lực phát triển quan trọng cho Vingroup trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, lãi suất tín dụng ở mức cao, còn thị trường bất động sản trầm lắng.

Sau này, kinh nghiệm gọi vốn quốc tế đã được Vingroup áp dụng cho các công ty thành viên như Vincom Retail, Vinhomes, đồng thời được nhiều doanh nghiệp khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Masan… triển khai, không chỉ tiết kiệm chi phí vốn mà còn tìm được cổ đông chiến lược, giúp doanh nghiệp phát triển vượt bậc.

Những doanh nghiệp Việt tỷ USD ảnh 2

Nỗ lực tìm động lực tăng trưởng mới

Trong làn sóng các công ty đại chúng lên niêm yết với nhiều tên tuổi lớn cũng như nhiều doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng nhanh, tạo động lực thúc đẩy giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường, dự báo câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD sẽ gia tăng số lượng thành viên trong thời gian tới.

Tuy vậy, sau những giai đoạn huy hoàng, chạm đến danh vị tỷ USD - cột mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển nghiệp, ghi dấu thành công của những năm tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, thì doanh nghiệp sẽ tìm được động lực tăng trưởng mới, đưa thương hiệu tiếp tục vươn cao, vươn xa, hay bước vào bão hòa, thậm chí suy thoái?

Nhìn vào câu chuyện của những doanh nghiệp tỷ USD trên thị trường chứng khoán hôm nay, hầu hết vẫn đang tràn đầy sức trẻ với nỗ lực không ngừng tìm kiếm hướng đi mới để duy trì đà tăng trưởng. Đây được xem là yếu tố quan trọng, quyết định tương lai của các doanh nghiệp.

Như tại Vinamilk, tháng 8 đầu năm 2018, Công ty công bố chương trình hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines trong thời gian 5 năm (2018 - 2023), mục tiêu là cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho khách hàng và cùng phát triển thương hiệu quốc gia. Kết quả của sự hợp tác này là tổng giá trị sản phẩm của Vinamilk cung cấp lên máy bay của Vietnam Airlines dự kiến sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm.

Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu đều đặn hai con số trong suốt 10 năm qua. 

Đây là thỏa thuận hợp tác chiến lược lớn thứ ba của Vinamilk trong gần 1 năm qua. Hồi tháng 3/2018, Vinamilk đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) nhằm phối hợp lợi thế của mỗi bên trong xây dựng sản phẩm đồng thương hiệu phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe đến nhiều đối tượng khác nhau.

Trước đó, tháng 9/2017, Vinamilk ký kết hợp tác với Tập đoàn Chr. Hansen (Đan Mạch) nhằm ứng dụng các chủng Probioyic tiên tiến vào sản phẩm sữa.

Những hoạt động trên cho thấy nỗ lực của Vinamilk trong việc giữ vững vị thế hàng đầu thị trường sữa trong nước, song song với chinh phục các thị trường quốc tế nhằm bổ sung động lực tăng trưởng.

Thực tế, Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu đều đặn hai con số suốt 10 năm qua, với tỷ lệ bình quân lên đến 23%/năm. Sức bền bỉ này đã giúp doanh nghiệp có sức hấp dẫn lớn trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đầu tư để phát triển cũng là một chiến lược được MWG - ông lớn trong ngành bán lẻ điện tử, điện máy thực hiện. Sau khi kết thúc năm 2017 với doanh thu tăng 49% và mở thêm 742 siêu thị trên toàn quốc, từ đầu 2018, MWG dồn sức cho mảng bán lẻ tiêu dùng với chuỗi Bách hóa xanh và thử nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc An Khang.

Dù còn nhiều thách thức cần vượt qua, Bách hóa xanh được xem là một bước chuyển chiến lược của MWG nhằm đem lại động lực tăng trưởng mới trong lộ trình hướng đến mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020, khi mảng kinh doanh điện máy có xu hướng bão hòa (đây là động lực đưa doanh nghiệp từ mức định giá 10 triệu USD vào năm 2007 lên hàng tỷ USD như hiện nay).

Tại Tập đoàn FPT, sau khi thoái lượng lớn vốn khỏi mảng bán lẻ (FPT Retail) và phân phối (FPT trading) thiết bị điện tử di động trong năm 2017, Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh trong khối công nghệ, viễn thông và giáo dục, chủ động M&A các doanh nghiệp nhiều tiềm năng với kỳ vọng các khối kinh doanh này sẽ sớm bù đắp khoảng trống mà khối bán lẻ, phân phối để lại.

Với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh nghiệp đang có thị phần dẫn đầu mảng thép xây dựng và ống thép trong nước, đại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất kỳ vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt cho HPG, hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 về sản lượng thép tại Việt Nam, thứ nhì Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Song song với bước đi chiến lược này, HPG đầu tư vào nhiều mảng kinh doanh khác, đặc biệt là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ, chế tạo, nội thất văn phòng, triển khai các dự án bất động sản, sản xuất tôn mạ. Sự đa dạng hóa hoạt động được đánh giá sẽ là bước đệm quan trọng của HPG nếu giai đoạn khó khăn của ngành thép quay trở lại.

Với Vingroup, dự án sản xuất ô tô với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi bộ mặt ngành ô tô Việt Nam.

Trong chiến lược đầu tư vừa được công bố, Vingroup cho biết, Tập đoàn sẽ đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ mang tầm quốc tế.

Để làm được điều này, Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ VinTech, Viện nghiên cứu gồm Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data), Viện nghiên cứu Công nghệ cao (Vin Hi -Tech) và Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo đã được Vingroup thành lập nhằm chủ động nghiên cứu, mua bản quyền các sáng chế về tổ chức thực nghiệm tại Việt Nam và đưa các sáng chế, công nghệ này vào cuộc sống.

Ngoài những thành công, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với không ít thử thách, nhưng ý chí, nỗ lực không ngừng vươn lên, không ngừng nghỉ đi tìm những động lực phát triển mới chính là cơ sở để kỳ vọng, những doanh nghiệp tỷ USD hôm nay sẽ tiếp tục vươn cao và vươn xa, đưa thương hiệu, tên tuổi doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.                                              

Tin bài liên quan