Những doanh nghiệp nuôi khát vọng bước ra thế giới

Những doanh nghiệp nuôi khát vọng bước ra thế giới

(ĐTCK) Trong xu thế hội nhập kinh tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường ra thế giới và tạo dựng được vị thế, thương hiệu. Đằng sau kết quả ấy là hành trình dài không ngừng vươn lên và tầm nhìn chiến lược của những người đứng đầu doanh nghiệp.

Đưa thương hiệu Việt bay xa

Có thể nói, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những điển hình thành công khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Vinamilk hiện nằm trong Top 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á, Top 300 doanh nghiệp của châu Á và Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Còn bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk là người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Forbes ca ngợi bà Liên là vị CEO năng động, biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam và đưa Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất, được kính trọng khắp châu Á.

Dưới sự dẫn dắt của vị thuyền trưởng bản lĩnh và tài năng, Vinamilk luôn tiên phong với những sản phẩm mới, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Bà Mai Kiều Liên bày tỏ mong muốn đưa Vinamilk - thương hiệu sữa Việt Nam vào bản đồ ngành sữa của thế giới và trong chiến lược dài hạn sẽ trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất toàn cầu với doanh số 3 tỷ USD.

Để thực hiện chiến lược này, ngoài việc đầu tư nhà máy sữa Angkor ở Campuchia, Vinamilk đã đầu tư 22,8% cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zealand), đầu tư và sở hữu 100% cổ phần Nhà máy Driftwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan, quốc gia nằm ở cửa ngõ châu Âu.

Sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc...

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng thực hiện chiến lược vươn ra khai thác thị trường bên ngoài từ rất sớm. Cuối năm 2017, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Viettel được thành lập với vốn điều lệ 960 tỷ đồng.

Đến nay, Viettel Global đầu tư vào 9 thị trường, gồm: Campuchia, Lào, Haiti, Myanmar, Burundi, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Đông Timor.

Tại thời điểm cuối năm 2017, Viettel Global phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế. So với năm 2016, Viettel Global tăng trưởng khách hàng 13%, gấp hơn 4 lần trung bình thế giới (khoảng 3%).

Năm 2018, Viettel Global đặt mục tiêu đạt lợi nhuận dương dù mới vận hành thị trường quốc tế lớn nhất là Myanmar (khai trương ngày 9/6/2018). Tăng trưởng khách hàng năm 2018 của Viettel Global dự kiến đạt 15% so với năm 2017.

Tính đến cuối tháng 6/2018, ba thị trường nước ngoài của Viettel đã hoàn vốn đầu tư là Lào, Campuchia, Đông Timor.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel Global cho biết, Tổng công ty sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa; trong đó, tập trung vào chuyển đổi sang cung cấp nhiều hơn dịch vụ viễn thông thế hệ mới, kết hợp với công nghệ thông tin và tài chính.

Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận đã được chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel Global là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và lọt vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất toàn cầu.

Ngoài Vinamilk, Viettel, còn rất nhiều doanh nghiệp Việt khác ghi nhận thành công từ chiến lược vươn mình ra thế giới. Có thể kể đến như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Cà phê Trung Nguyên…

Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ, hàng tiêu dùng, mà ngay cả nhà thầu xây dựng Việt như Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng đang đẩy mạnh chiến lược khai thác thị trường toàn cầu.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ, các nhà thầu Việt Nam đủ năng lực, trình độ để cạnh tranh với các nhà thầu ngoại và 3 - 4 năm trở lại đây, các nhà thầu Việt đã dần thay thế được nhà thầu nước ngoài tại nhiều công trình.

Được biết, Hòa Bình đã có mặt tại thị trường Malaysia, Myanmar và đang nghiên cứu tham gia thị trường Lào, Kuwait, thăm dò ở thị trường Úc, Canada. Công ty cũng nhận được nhiều lời mời tham gia với tư cách nhà thầu phụ ở Nhật, Qatar. Trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc được ông Hải đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và có thể trong tương lai gần, Hòa Bình sẽ tham gia làm nhà thầu ở thị trường này. 

Tạo cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp

Chẳng thành công nào tới một cách dễ dàng, việc tạo dựng được tên tuổi, mở mang thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt cũng vậy. Chủ tịch HBC Lê Viết Hải cho biết, để đứng vững trên cuộc đua khốc liệt của thị trường, các nhà thầu phải không ngừng nâng cao năng lực và cập nhật các công nghệ thi công tiên tiến. Nếu đi chậm lại, doanh nghiệp tự đào thải mình ra khỏi cuộc đua.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, doanh nghiệp thấu hiểu điều ấy nên đã có những cái bắt tay. Đơn cử, Vinamilk ký kết với Vietnam Airlines nhằm đưa các sản phẩm dinh dưỡng của Vinamilk đến với khách hàng thế giới. Hành trình gắn kết chặt chẽ và lâu dài với Vinamilk trên các chuyến bay của Vietnam Airlines không những góp phần nâng tầm thương hiệu Việt tại thị trường trong nước, mà còn đưa thương hiệu Việt vươn xa trên trường quốc tế.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp lớn đầu ngành của Việt Nam là bước đi tạo cảm hứng cho chuỗi cung ứng kết nối thương hiệu Việt trong quá trình vươn ra thế giới.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát ngay từ giai đoạn đầu phát triển đã nghĩ đến ngày trở thành doanh nghiệp tiên phong ở châu Á với những mục tiêu cụ thể. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, doanh nghiệp này tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại tăng chất lượng sản phẩm để có sức cạnh tranh.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay: “Trong quan điểm của chúng tôi, mang tầm vóc hàng đầu châu Á là doanh nghiệp phải thuộc nhóm đứng đầu châu Á trong lĩnh vực của mình và có sản phẩm đủ chất lượng bán trên toàn cầu. Ngay tại châu Á, sản phẩm phải đủ sức cạnh tranh trên những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Khát vọng này đòi hỏi chúng tôi luôn xác định chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu số 1, là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi nhất, là công cụ và cũng là mục tiêu để phát triển”.

Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam sớm lớn mạnh, gia tăng sức cạnh tranh là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh cả thị trường trong nước và quốc tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nhiều chính sách hỗ trợ, gỡ khó khác. 

Tin bài liên quan