Nông sản lo cán đích
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2019 ước đạt 427,05 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018; xuất siêu đạt 7 tỷ USD - con số rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam lại đang sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những mặt hàng tỷ USD như thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, hạt tiêu… đều giảm sâu.
Kỳ vọng về đích với 4 - 4,2 tỷ USD sau 3 năm tăng trưởng thần tốc, nhưng ngành rau quả đang sụt giảm kim ngạch xuất khẩu gần 6% so với cùng kỳ. Khả năng cán đích cũng khó khả thi, bởi Trung Quốc (thị trường nhập 70% rau quả Việt Nam) đang siết chặt quy định về chất lượng, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chưa kể, tháng 10 vừa qua, hàng trăm xe container xuất khẩu thanh long, dưa hấu bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) do thủ tục kiểm dịch kéo dài, càng tiếp thêm những ảnh hưởng không mấy tích cực đối với rau quả xuất khẩu.
So với rau quả, xuất khẩu gạo bị sụt giảm nặng nề hơn, khi 10 tháng chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng nói là, lượng gạo xuất khẩu tăng 17%, nhưng giá trị xuất khẩu thu về lại giảm, do giá xuất khẩu sụt giảm sâu so với cùng kỳ.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn trong tình trạng “bán nhiều, nhưng thu tiền ít”. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2019 chỉ còn 435 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2018, xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết, năm nay, thị trường có sự thay đổi đột biến. Thông thường, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng từ đầu năm nay giảm mạnh nhập khẩu gạo từ nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Hiện thị trường hơn 1,4 tỷ dân này chỉ chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất gạo của Việt Nam.
Cùng với gạo và rau quả, cà phê cũng bị giảm xuất khẩu tới 21,5%. Thị trường ảm đạm khiến giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân trong tháng 9/2019 chỉ đạt 1.609 USD/tấn. Tính chung 9 tháng của năm 2019, giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt mức 1.698 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Bài toán hiệu quả kinh doanh
Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sụt giảm bởi thương chiến Mỹ - Trung, đẩy nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta vào thế khó, phải chấp nhận xuất khẩu với giá thấp.
Xơ sợi là một ví dụ điển hình. 9 tháng qua, xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc đạt 1,77 tỷ USD, tăng gần 22% về lượng, nhưng chỉ tăng 8,5% về giá trị. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phân tích: “Do giá sợi xuất khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ, nên để đạt được mức tăng về giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chấp nhận bán giá thấp và tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng”.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng như ông Cẩm đề cập đang hiển hiện, không chỉ với xuất khẩu xơ sợi. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra, bị sụt giảm lợi nhuận 5% sau 9 tháng, dù đã triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang giảm và còn có thể giảm sâu hơn, khi sức mua ít được cải thiện, trong khi mảng xuất khẩu bị tác động bởi thị trường bên ngoài, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Điều đáng ngại là tại thời điểm này, nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới đều giảm giá, ít nhất là giảm 5 - 10%, qua đó, có thể thấy tình thế hết sức khó khăn của nông sản Việt Nam trên trên chặng đường 2 tháng cuối cùng của năm 2019.