Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ 0,6% so với USD kể từ chiều ngày 14/5. Theo đó, tỷ giá mới được PBOC niêm yết là 6,8365 CNY/USD, so với mức 6,7954 CNY/USD ngày 13/5.
Với sự điều chỉnh này, tỷ giá CNY/USD đã leo lên mức cao nhất 4 tháng trở lại đây, tương đương mức tăng gần 2% tính riêng từ đầu tháng 5/2019. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, diễn biến này xuất phát từ việc đồng USD trên thị trường thế giới gia tăng sức mạnh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang, kết hợp với yếu tố tâm lý đè nặng.
Trước đó, nhân dân tệ được nhận định là đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng so với các đồng tiền khác, sau khi Mỹ công bố tăng thuế với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hai bên không thể đạt được thỏa thuận trong các cuộc đối thoại tại Washington.
Diễn biến phức tạp này gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp. Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp bất lợi về giá so với hàng hóa Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ mất giá. Động thái phá giá mới nhất của Trung Quốc sẽ khiến tình trạng này trầm trọng hơn.
Đáng chú ý, một yếu tố khác sẽ tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam là việc Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện chính sách tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp thâm hụt từ việc giảm xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời coi đây là một trong những chiến lược quan trọng để cân bằng cán cân thương mại, duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
“Trung Quốc đang thúc đẩy việc thực hiện chiến lược đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường như Mỹ và phương Tây. Chính sách này sẽ có những tác động bất lợi đối với thị trường Việt Nam, khi hàng hóa chất lượng trung bình và thấp sẽ đổ vào nước ta, gây khó cho cạnh tranh, nhất là khi hàng hóa nội địa đắt hơn do VND vẫn giữ giá. Chưa kể, diễn biến này sẽ làm gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc”, ông Hải cho biết. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nhiều hàng hóa Trung Quốc tìm cách “núp” dưới xuất xứ của Việt Nam để trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn chịu thêm một mối lo khác.
“Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi đang xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó một lượng lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với USD, một số nhà nhập khẩu đã đặt vấn đề thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì đồng bạc xanh. Doanh nghiệp phải đứng trước lựa chọn khó: Chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ để giữ chân khách hàng, hay hủy đơn hàng, chờ diễn biến tích cực hơn và mất bạn hàng, giảm thị phần. Đây là một bài toán nan giải đặt ra cho doanh nghiệp”, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu chia sẻ.
Đánh giá về việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ, cũng như tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, tại Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực cho rằng, đây là diễn biến không gây ngạc nhiên trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.
Tuy nhiên, theo ông Lực, xét về bản chất, Trung Quốc không thực sự dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại bởi 2 lý do. Thứ nhất, quốc gia này không muốn bị “kết tội” thao túng tiền tệ bởi điều này gây bất lợi cho Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Thứ hai, Trung Quốc đang trong lộ trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, mà một trong những yêu cầu tiên quyết cho quá trình này là ổn định tỷ giá. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng không muốn biến động này xảy ra.
Nguyên nhân đồng nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mới đây xuất phát từ việc USD tăng giá rất mạnh những ngày vừa qua và chứng khoán Mỹ bắt đầu hồi phục.
Về tổng thể, theo nhận định của các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá CNY/USD chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, bởi nhân dân tệ là một trong các đồng tiền thuộc rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, biến động tỷ giá giữa nhân dân tệ với USD sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VND với cả nhân dân tệ và USD, tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp nội địa, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, cần bình tĩnh theo dõi, đánh giá tác động của diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối, cũng như ảnh hưởng về mặt tâm lý của người dân, nhất là các doanh nghiệp để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đối với vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khuyến nghị đưa ra là cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá, phối hợp chính sách một cách hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan này cần sớm có thông điệp trấn an thị trường. Đáng chú ý, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tốt như hiện nay, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá nếu cần thiết.
Cần phản ứng thận trọng, bình tĩnh
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để có dự báo đánh giá giá rủi ro tỷ giá, từ đó xây dựng kịch bản của riêng mình.
Thực tế, rất khó đoán định diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhất là việc kết quả đàm phán như thế nào và kết quả này tác động ra sao tới hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp có thể dựa vào các dự báo tác động tới bên thứ ba như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), dựa vào đó đánh giá tác động tới Việt Nam và hoạt động cụ thể của công ty.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, tỷ giá VND được xác định trên cơ sở rổ tiền tệ, trong đó có những đồng tiền có giao dịch kim ngạch lớn. Trong bối cảnh diễn biến trái chiều hiện nay, chúng ta cần phản ứng thận trọng, bình tĩnh theo cơ chế thị trường và có sự can thiệp của nhà nước ở mức hợp lý.
Công ty xây dựng nhiều phương án đối phó khác nhau
Ðại diện Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Ðông
Sản phẩm phích nước của chúng tôi đã và đang xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, trong đó, Trung Quốc là một thị trường lớn. Do đó, việc đồng nhân dân tệ giảm giá đang đặt ra bài toán rất khó khăn trong việc lựa chọn thực hiện các đơn hàng khi một số nhà nhập khẩu đặt vấn đề thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì USD.
Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn tiến tỷ giá để đánh giá, nghiên cứu các tác động trước mắt và về dài hạn. Tuy nhiên, hiện tại, quá trình đánh giá chưa mang lại kết quả rõ ràng do có nhiều thông tin và diễn biến tỷ giá rất khó dự đoán. Trong bối cảnh này, Công ty luôn xây dựng các phương án khác nhau và quyết định cuối cùng dựa vào chiến lược dài hạn.