Nhà thầu giao thông ngoại, anh là ai?

Nhà thầu giao thông ngoại, anh là ai?

Vấn đề chất lượng nhà thầu ngoại đang tham gia dự án hạ tầng quy mô lớn lại nóng lên khi mới đây, người đứng đầu ngành giao thông - vận tải (GT-VT) phải lên tiếng yêu cầu lãnh đạo một ban quản lý dự án trực thuộc hết sức thận trọng với hai nhà thầu nước ngoài tham gia thi công công trình Cao Lãnh và Vàm Cống.

Hai nhà thầu bị Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng lưu ý là GS trong liên danh GS - Hanshin (Hàn Quốc) thi công gói thầu CW3A (Dự án thành phần xây dựng cầu Vàm Cống) và CRBC (Trung Quốc) thi công gói thầu CWB1 (Dự án thành phần xây dựng cầu Cao Lãnh).

Mặc dù tiến độ thi công 2 gói thầu cầu chính dây văng này đang bám sát kế hoạch đề ra, nhưng “tư lệnh” ngành GT-VT vẫn yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát tuyệt đối không được chủ quan vì rất có thể, sau giai đoạn đầu thi công khá tốt, những nhà thầu này sẽ đưa ra nhiều lý do biện minh cho việc chậm tiến độ như vướng giải phóng mặt bằng, điều kiện thi công phức tạp hay do mưa nhiều...

Cảnh báo trên xuất phát từ việc cả hai nhà thầu này đã và đang thất hứa tiến độ với Bộ GT-VT tại một số công trình trọng điểm. Cụ thể, GS đang thi công chậm tiến độ tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, CRBC chậm tiến độ tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Kkhông chỉ GS hay CRBC, nhiều nhà thầu ngoại, dù sở hữu thương hiệu nổi tiếng, sau khi lọt qua các cuộc đấu thầu cạnh tranh quốc tế hết sức gắt gao, đã không chứng tỏ sự vượt trội về năng lực thi công, năng lực tài chính so với nhà thầu nội. Có những nhà thầu ngoại chỉ sau thời gian ngắn thi công đã đột ngột đổ bệnh, không huy động đủ tài chính, nhân lực, thiết bị như cam kết. Tình trạng sau khi thu phần trăm rồi khoán trắng cho nhà thầu phụ, không chịu thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu chính nước ngoài hoặc gây sức ép để được điều chỉnh giá đã khiến tiến độ của một số dự án trọng điểm bị phá vỡ,  để lại hệ luỵ xấu.

Ở đây cũng không thể loại trừ năng lực quản lý yếu kém, sơ hở trong việc xây dựng, kiểm soát hợp đồng của một số chủ đầu tư, bởi nhiều nhà thầu ngoại rất giỏi bắt lỗi đối tác Việt Nam để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trên thực tế, do công tác giải phóng mặt bằng tại các gói thầu vốn thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương thường bàn giao quá chậm, nên chủ đầu tư vẫn phải dùng bài “cây gậy và củ cà rốt”, thay vì thẳng tay “trảm” những nhà thầu yếu kém tại Dự án Xây dựng đường cao tốc, dù vi phạm tiến độ rất rõ.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong thi công, làm phát sinh chi phí và khiến chủ đầu tư “việt vị”, thậm chí đứng trước khả năng bị nhà thầu phạt vì chậm bàn giao mặt bằng sạch trước khi thi công theo quy định của nhà tài trợ. Thời gian qua, đã có ít nhất 2 trường hợp trong ngành GT-VT bị nhà thầu phạt rất nặng vì lý do trên. Ngoài việc dễ bị kiện ngược, còn một thực tế là chủ đầu từ rất ngại tìm nhà thầu mới do tốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư tăng khi phải cập nhật lại đơn giá trước khi đấu thầu tìm đơn vị thay thế.

Khắc phục tình trạng này, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý nhà thầu vi phạm, thậm chí cấm tham gia đấu thầu các dự án tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chủ động trong quá trình tham gia đàm phán hiệp định vay vốn với các đối tác đầu tư, nhà tài trợ, đảm bảo tính khả thi, tránh bị ràng buộc quá nhiều khi thực hiện dự án. Ngoài ra, cần tích cực giúp các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đây là những giải pháp cấp thiết, góp phần giải quyết vấn nạn nhà thầu ngoại trây lỳ, đánh võng để thu lợi bất chính tại các dự án hạ tầng giao thông hiện nay.

Tin bài liên quan