Dự thảo sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới

Dự thảo sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới

Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu ngành quan trọng xuống tối thiểu 65%

(ĐTCK) Với nhiều đề xuất khá táo bạo, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước được kỳ vọng sẽ rộng đường cho kế hoạch cổ phần hóa, tái cấu trúc DNNN.

Chỉ áp dụng đối với DNNN cấp 1

Tại Hội thảo về sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, để đáp ứng được yêu cầu và tham vọng đặt ra cho công cuộc cải cách DNNN, dự thảo sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ đã mạnh dạn đưa ra một số điểm mới, chẳng hạn như thay đổi về phương thức thực hiện theo hướng thống nhất xây dựng phương án sắp xếp tổng thể cùng danh mục phân loại các DNNN làm căn cứ cho các bộ ngành, địa phương thực hiện, điều chỉnh đối tượng áp dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo tiếp tục đưa một số ngành quan trọng vào danh mục cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ giảm từ mức tối thiểu 75% xuống còn tối thiểu 65%.

Với những điểm đề xuất đổi mới khá táo bạo này, dự thảo Quyết định sửa đổi được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính chặt chẽ và rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện cũng như đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về đối tượng điều chỉnh, dự thảo Quyết định chỉ quy định đối tượng áp dụng là DNNN gồm: công ty TNHH một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công  ty con; công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

“Như vậy, dự thảo Quyết định chỉ áp dụng đến DN cấp 1 trong mô hình công ty mẹ - công ty con để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN. Các DN cấp 2 sẽ vận dụng các tiêu chí phân loại ban hành kèm theo dự thảo Quyết định này để có định hướng sắp xếp phù hợp”, ông Hùng cho hay. 

Khai thác dầu mỏ có thể mở tới 35% cho tư nhân

Về kết cấu tiêu chí phân loại danh mục DNNN, theo ông Hùng, dự thảo Quyết định phân chia thành 3 nhóm phù hợp với mục tiêu và quy định tại Luật Doanh nghiệp gồm: danh mục ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên; danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần.

Đối với danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn, về cơ bản, các lĩnh vực được giữ nguyên như trước, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát văn bản pháp lý và thực tiễn triển khai các ngành, lĩnh vực này khi xây dựng Quyết định số 37. Điểm mới là danh mục này đã giảm từ 16 ngành, nhóm ngành xuống còn 14 ngành, nhóm ngành.

“Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và các quy định hiện nay, ban soạn thảo đã loại bỏ một số ngành khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ vốn, gồm  trồng và bảo vê rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đặc dụng; DN thành viên có vai trò chủ yếu trong sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. DN đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, trồng và chế biến cao su và cà phê tại những địa bàn không gắn với quốc phòng an ninh…”, ông Hùng cho biết.

Về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên sẽ bao gồm các lĩnh vực quản lý, khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia và cửa ngõ quốc tế; bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; khai thác khoáng sản quy mô lớn; khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên...

Còn lại, những DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần chủ yếu thuộc lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gồm thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn, khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên; quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa...

“Việc phân chia các DN tại hai danh mục theo các mức dưới 50% và từ 50 - 65% là dựa trên mức độ kiểm soát, chi phối của chủ sở hữu Nhà nước đối với DN và phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2015”, ông Hùng khẳng định. 

Rút ngắn thời gian phê duyệt phương án sắp xếp DNNN​

Ông Hùng cho biết, thời gian qua, sau 5 lần thay đổi quy định về tiêu chí phân loại DNNN, việc triển khai thực hiện Quyết định 37 vẫn theo phương pháp truyền thống trước đây, tức là Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí phân loại DNNN, sau đó các bộ ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty căn cứ vào đó để thực hiện phân loại và xây dựng phương án sắp xếp cụ thể cho các DNNN do mình quản lý trình Thủ tướng quyết định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới DNNN tại các bộ, ngành địa phương còn chậm, thường phải mất khoảng 8 - 12 tháng sau khi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN được ban hành.

Do vậy, trong lần sửa đổi này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chủ trì, xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp DNNN và DN có vốn Nhà nước của bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế cùng với phân loại và hình thức sắp xếp ban hành kèm theo quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, danh mục này là cơ sở để các bộ và địa phương thực hiện, đồng thời giúp cung cấp thông tin tổng quan, thống nhất cho các nhà đầu tư và xã hội, làm căn cứ ra quyết định đầu tư cũng như giám sát quá trình sắp xếp DNNN trên thực tế. Việc ban hành một danh mục kèm theo quyết định này cũng sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt phương án tổng thể, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của tiêu chí phân loại, làm rõ trách nhiệm chuẩn bị và triển khai thực hiện.     

Tin bài liên quan