Thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU

Thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU

Nguy cơ phải thay đổi quy trình sản xuất, chế biến cá tra

(ĐTCK) Từ tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ bắt đầu thanh kiểm tra tại trang trại và xưởng chế biến của các nhà cung cấp cá da trơn trong và ngoài nước Mỹ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quy định này ở một khía cạnh nào đó là nhằm bảo hộ cho ngành cá da trơn của Mỹ, đi ngược với cam kết WTO. 

Quy định mới của Mỹ nêu trên có gây khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản nước ta hay không, theo ông?

Quy định mới của USDA sẽ “xuyên suốt” chuỗi giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam, từ khâu con giống, thức ăn, trại nuôi, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, thậm chí các cơ sở chế biến đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mới và nếu chỉ một trong các khâu chưa đạt cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Vì thế, có thể nói, quy định này sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp thủy sản trong nước, thậm chí có thể phải thay đổi quy trình sản xuất, chế biến, với chi phí hết sức tốn kém.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thời gian chuyển tiếp 18 tháng để tiếp tục xuất khẩu bình thường, sau khi USDA nhận được hồ sơ và danh sách doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (USDA) liên quan đến các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước tháng 3/2016, phía Việt Nam sẽ cung cấp cho phía Hoa Kỳ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ, cũng như cung cấp thông tin về các quy định luật pháp, các quy định quản lý nhà nước liên quan về an toàn thực phẩm trong chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Hoa Kỳ để được tiếp tục xuất khẩu.

Ông Trương Đình Hòe
 

VASEP có đề xuất gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, thưa ông?

Chúng tôi sẽ đại diện các doanh nghiệp kiến nghị và đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, ban, ngành liên quan xem xét khả năng ban hành mới, sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp; đồng thời tổ chức và quản lý chuỗi sản xuất ngành cá tra nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững.

Các doanh nghiệp thủy sản trong nước không chỉ phải vượt qua hàng rào kỹ thuật, mà còn gặp nhiều thách thức khác như các vụ kiện chống bán phá giá. VASEP đã có những bước chuẩn bị như thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước?

Không phải đến bây giờ, mà phải hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá của các thị trường nước ngoài. VASEP đã đồng hành với các doanh nghiệp trong các vụ kiện để có thể yêu cầu mức thuế “có thể chấp nhận được” nhằm tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường này.

 Sản phẩm cá tra, cá ba sa của Việt Nam đã được công nhận ở trên nhiều thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu… Trong nhiều năm qua, chưa có những chứng minh nào cho thấy các sản phẩm này của Việt Nam gây ảnh hưởng đến sức tkhỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.    

Sắp tới, việc Hoa Kỳ áp dụng chương trình giám sát cá da trơn có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam đối diện với một rào cản thương mại nữa khi có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình này được đặt ra nhằm mục đích bảo vệ ngành nuôi cá da trơn của Hoa Kỳ. Nếu đủ cơ sở, phía Việt Nam có thể sẽ đưa vấn đề ra giải quyết tranh chấp tại WTO, nhằm vượt qua rào cản thương mại đó một cách công bằng.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành kế hoạch của ngành thủy sản nói chung trong năm 2015?

Hiện chúng tôi chưa có con số cụ thể, nhưng có thể nói năm 2015 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu cá tra toàn thị trường đạt 1,3 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt khoảng 260 triệu USD, chiếm 20% toàn thị trường, con số này ghi nhận mức giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2014. Đánh giá một cách tổng quan, tôi cho rằng, ngành thủy sản sẽ khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hơn 7 tỷ USD của năm 2015.

Tin bài liên quan