Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Minh Phú cho năng suất trên 200 tấn/ha/năm.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Minh Phú cho năng suất trên 200 tấn/ha/năm.

Ngành tôm hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD

(ĐTCK) Đó là một mục tiêu tham vọng, là nhiệm vụ dài hơi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành tôm tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam cách đây 2 năm. 

Từ đó đến nay, nhiều đầu việc đã được triển khai, con tôm Việt Nam đã khẳng định vị thế trên hoàn cầu. Song để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta sẽ phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa.

Ðầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Phú, với nhiều đề xuất cho ngành tôm phát triển. 

Dư địa lớn

Ngành tôm Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Tổng diện tích nuôi tôm trên cả nước vào khoảng 760.000 ha, tuy nhiên năng suất tôm nuôi còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành công nghiệp nuôi tôm. Nếu đầu tư nuôi thông thường, năng suất nuôi tôm thâm canh bình quân vào khoảng 15 tấn/ha/vụ nuôi, bình quân nuôi 1,5 vụ/năm.

Như vậy, năng suất đạt khoảng 22,5 tấn/ha/năm. Với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (IoT, AI và sensor) theo công nghệ 2 - 3 - 4 Minh Phú, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 70 - 90 tấn/ha/vụ nuôi, bình quân nuôi 3 - 5 vụ/năm, như vậy năng suất có thể đạt trên 200 tấn/ha/năm. Ðặc biệt, Minh Phú đang cùng với một công ty chuyên về nghiên cứu và nuôi tôm của Israel để hợp tác triển khai mô hình công nghệ nuôi tôm đạt năng suất 500 tấn/ha/năm.

Với các mô hình nuôi tôm thông minh ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ thành công có thể đạt hơn 95% và năng suất tăng hơn 3 - 5 lần so với nuôi theo công nghệ thông thường. Những khó khăn, vướng mắc đối với nuôi tôm công nghệ cao là nguồn vốn đầu tư rất cao, người nuôi thiếu vốn, không có bảo hiểm nuôi tôm nên rất khó tiếp cận với các khoản vay ngân hàng và các nguồn vốn vay đầu tư khác.

Có nhiều tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài rất muốn hỗ trợ nguồn tài chính lãi suất thấp và chính sách ân hạn từ 3 - 7 năm để đầu tư cho người nuôi tôm, tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với các tổ chức này là không có gì đảm bảo cho các rủi ro trong nuôi tôm, họ lo ngại không thu hồi được vốn.

Vì vậy, chỉ khi có bảo hiểm cho người nuôi tôm thì họ mới yên tâm tài trợ cho ngành nuôi tôm Việt Nam. Nếu người nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này để đầu tư bài bản cho nuôi tôm thì ngành tôm sẽ phát triển rất nhanh và rất mạnh, như vậy, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến tôm.

Ðối với ngành công nghiệp chế biến tôm, công suất hoạt động của các nhà máy chế biến tôm bình quân chỉ đạt khoảng 30 - 50% công suất thiết kế, do nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động.

Công suất hoạt động thấp khiến giá thành con tôm chế biến tăng gấp hơn 2 lần, không cạnh tranh được trên thị trường, buộc nhà máy tiếp tục giảm công suất hoạt động hoặc đóng cửa. Nếu các nhà máy chế biến có đủ nguồn tôm nguyên liệu để hoạt động hết công suất, các nhà máy chế biến hoạt động có hiệu quả thì mới có nguồn tài chính tốt để tái đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và ứng dụng công nghệ 4.0 vào chế biến sẽ giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Giải bài toán khó

Thực tế trên đặt ra những bài toán cần tập trung xử lý để tạo bệ phóng cho ngành tôm.

Trước hết, với mảng chế biến tôm, cần đầu tư đồng bộ, tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào các nhà máy chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng về chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng đối với sản phẩm này.

Với mảng nuôi tôm, cần đầu tư đồng bộ, đầy đủ cho nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, tăng hiệu quả trong nuôi tôm nhằm đảm bảo đầy đủ nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến với giá thành cạnh tranh nhất, phù hợp nhất.

Một nút thắt quan trọng khác cần tháo gỡ là về bảo hiểm cho nuôi tôm. Hiện tại, nhiều tổ chức quốc tế muốn đầu tư vốn cho người nuôi tôm với lãi suất rất thấp với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Dẫu vậy, người nông dân vẫn sợ rủi ro không thu hồi được vốn do nuôi tôm thất bại.

Do vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp nuôi tôm, các tổ chức, các viện, trường và cả Chính phủ cần nghiên cứu cải thiện công nghệ nuôi tôm, tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm, rất cần có chính sách bảo hiểm cho người nuôi tôm để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, các nguồn tài chính với lãi suất rất ưu đãi. Có như vậy, người dân nuôi tôm, các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn đầu tư dồi dào, lãi suất ưu đãi để phát triển mạnh mẽ ngành nuôi tôm, chủ động được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm.

Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nút thắt về đào tạo lao động cho ngành tôm. Cả ngành chế biến tôm và nuôi tôm hiện thiếu nhiều lao động, bao gồm lao động có trình độ và lao động trung cấp, sơ cấp phục vụ cho toàn ngành.

Chỉ riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bình quân 2 năm mở thêm 1 nhà máy chế biến tôm, cần khoảng 7.000 cán bộ công nhân viên và lao động đã qua đào tạo; trong đó gồm 500 kỹ sư, 1.000 công nhân kỹ thuật nuôi tôm, còn lại khoảng 5.000 - 6.000 công nhân kỹ thuật chế biến.

Ðể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, bền vững, cần có các trường đào tạo chuyên ngành thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có như vậy, việc đào tạo mới đi đúng định hướng phát triển của ngành, nguồn lao động được đào tạo sẽ đáp ứng được yêu cầu về lượng và chất cho ngành. 

Cởi trói cho các mô hình liên kết với người nông dân

Liên kết người nông dân sản xuất lại để tạo được vùng nguyên liệu lớn ổn định về số lượng, chất lượng, kiểm soát được nguồn gốc… là vấn đề vô cùng khó khăn, đặc biệt với người nông dân nuôi tôm. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã tham vấn người dân và thử nghiệm nhiều biện pháp như dồn điền đổi thửa để tạo diện tích nuôi tôm lớn hơn; thành lập công ty cổ phần để tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất; doanh nghiệp thuê đất của dân để mở rộng quy mô canh tác, sản xuất. Tuy nhiên, các giải pháp này không thực hiện được do tốn nhiều chi phí, tốn thời gian và khó thực hiện.

Minh Phú rất trăn trở và năm 2017 đã đưa ra mô hình “Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú” là mô hình tối ưu nhất giải quyết bài toán này. Mô hình thí điểm ban đầu với 89 cổ đông, gồm 5 cổ đông sáng lập và 84 hộ nông dân nuôi tôm. Sau thời gian thử nghiệm thành công và đưa vào triển khai cho toàn khu vực nuôi tôm thì bị vướng quy định pháp luật về công ty đại chúng.

Tầm nhìn của Minh Phú là trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, kết hợp tất cả các chuỗi giá trị có trách nhiệm từ đầu đến cuối, chia sẻ lợi ích cho tất cả các bên liên quan và đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới với vai trò là nhà cung cấp tôm chất lượng hàng đầu

- Ông Lê Văn QuangChủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Cụ thể, theo khoản 1, Ðiều 25 của Luật Chứng khoán, một công ty cổ phần được xem là công ty đại chúng nếu đáp ứng 1 trong 3 điều kiện, gồm công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc Công ty có 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên. Hai trường hợp đầu tự động xác lập trạng thái công ty đại chúng, còn trường hợp sau phải thông qua thủ tục đăng ký công ty đại chúng.

Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú rơi vào trường hợp thứ 3. Không thể tiếp tục tặng cổ phần cho hộ dân vì gần đến 100 và vốn điều lệ đăng ký lần 1 là 10 tỷ đồng, doanh nghiệp điều chỉnh vốn xuống còn 9,9 tỷ đồng (đăng ký lần 2) với mong muốn tăng thêm cổ phần cho hộ dân.

Tuy nhiên, xét thấy quy mô hộ dân ngày càng nhiều, quy mô vốn nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) cũng chỉ có thêm một số hộ dân được tặng cổ phần nên Công ty đành tạm dừng thực hiện chờ thay đổi Luật Chứng khoán. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp thêm vốn vì mục tiêu xã hội và môi trường.

Ðể thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và người dân nông dân thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đưa ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới, chúng tôi cho rằng, cần có quy chế riêng cho doanh nghiệp xã hội ngành thủy sản, không quy định vốn điều lệ và số cổ đông đối với công ty cổ phần hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Và doanh nghiệp xã hội không là công ty đại chúng hoạt động theo Luật Chứng khoán.

Mặt khác, chúng tôi cũng mong Chính phủ ban hành các hướng dẫn chi tiết để thực hiện điều 2 của Nghị định 96/CP-NÐ ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, tập trung vào chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...

Ðiều này là hoàn toàn khả thi vì Nghị định nêu rõ, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan