Cuộc đối đầu thép nội - thép ngoại đang khá chênh lệch - Ảnh: Hoài Nam

Cuộc đối đầu thép nội - thép ngoại đang khá chênh lệch - Ảnh: Hoài Nam

Ngành thép vẫn đang “mơ về nơi xa lắm”

(ĐTCK) Khi có tới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết năm 2014 cũng là lúc ngành thép lâm vào tình cảnh “khó chồng khó” dù sản lượng tiêu thụ đã được cải thiện hơn so với năm 2013. Bốn tháng đầu năm 2015, tình hình tiêu thụ thép đã tăng trở lại, nhưng ngành thép vẫn còn nguyên đó nỗi lo.

Cùng với FTA, Thông tư liên tịch số 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu cũng đang gây nhiều khó khăn cho ngành thép khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số loại thép trong nước chưa sản xuất được như thép tấm cuộn cán nóng, thép hợp kim.

Trong khi các DN thép lo lắng sẽ bị thép Nga “đè” khi Việt Nam ký hiệp định thương mại với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhztan (mức thuế sẽ hạ xuống 0% với gần 170 dòng thuế thép), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Không phải tất cả mặt hàng ta giảm thuế cho sắt thép của Nga đều là những chủng loại nhạy cảm.

Nga yêu cầu 167 dòng thuế thì Hiệp hội thép đã tính toán chỉ có 25 dòng nhạy cảm, chia làm 4 cấp bậc, những dòng nhạy cảm nhất chỉ trên dưới 10 dòng thuế. Với những dòng thuế nhạy cảm này, chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của Hiệp hội thép về lộ trình giảm thuế để sức ép đến chậm hơn, tạo điều kiện cho các DN ngành thép tái cơ cấu”.

Dù vậy, sự hỗ trợ từ cơ chế đối với ngành thép cũng giống như giọt muối bỏ biển, khi mà chính năng lực cạnh tranh của ngành quá yếu.

Theo quan điểm của các chuyên gia trong ngành, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng thép để cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp tiên quyết cho ngành thép Việt Nam.

Thế nhưng, vấn đề ở chỗ ngành thép khó có thể giảm chi phí một cách đáng kể nếu không đầu tư lớn, đồng thời lại càng khó tăng chất lượng để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài (trừ sản phẩm tôn mạ và một số sản phẩm khác chiếm tỷ trọng không đáng kể). Trước đây và ngay cả bây giờ, thép Việt Nam vẫn đang “trầy trật” cạnh tranh với thép Trung Quốc, chưa nói gì đến “ông lớn” sắt thép Nga.

Ngành thép Nga được ví như “người khổng lồ” trong ngành thép thế giới với sản lượng khoảng 70 triệu tấn/năm (gấp 7 lần Việt Nam). Sản lượng chưa hẳn là đáng sợ, nhưng thép Nga cạnh tranh nhờ chất lượng và giá cả, mà mấu chốt là công nghệ luyện thép tối ưu.

Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thừa nhận: “Công nghệ mà Nga lựa chọn cho ngành thép là rất chuẩn, họ đi từ quặng sắt, trong khi công nghệ luyện thép của nước ta đa phần đi từ thép phế. Riêng về chi phí điện năng, công nghệ của họ chỉ tiêu hao 150 KWh cho một tấn phôi, nhưng hầu hết nhà máy Việt Nam theo công nghệ lò điện là công nghệ từ thép phế, đã tiêu hao 450 - 600 KWh”.

Nhiều người cho rằng, chi phí vận chuyển với quãng đường xa khiến thép Việt Nam “ngại” thép Nga, nhưng vận chuyển bằng đường biển từ cảng Vladivostok (Nga) về tới Việt Nam cũng chỉ khoảng 2 tuần, so với từ Trung Quốc là 10 ngày.

Giá cước vận chuyển cũng tương đương vận tải biển từ Trung Quốc về Việt Nam, khoảng 20 USD/tấn. Như vậy, khoảng cách sẽ không phải là rào cản để người khổng lồ mang tên thép Nga không đặt chân đến Việt Nam.

Năm 2015, thị trường thép Việt bắt đầu quá trình loại bỏ một cách quyết liệt. Thị trường hiện đang chia làm 3 nhóm nhà cung cấp, gồm các thành viên của Tổng công ty Thép (VNS); các DN liên doanh với VNS và các DN ngoài VNS.

Ba DN chiếm thị phần thép lớn nhất năm 2014 lần lượt thuộc về Hòa Phát 19,1%, Pomina 15,1% và Tisco 11,4%. Các DN còn lại như Thép Việt Úc, Thép Việt Ý, Dana - Ý, Thép Việt Đức, Thép Việt Nhật, Vina Kyoei cũng đang nỗ lực giành lại thị phần trong thế khó.

Với công suất thiết kế 11 triệu tấn, nhưng năm 2015 toàn ngành thép dự kiến mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn. Thị trường cũng đang chứng kiến sự “biến mất” của một số cái tên khi Vina Kyoei sở hữu 70% cổ phần của Thép Pomihoa và đổi tên thành Vina Kyoei Việt Nam.

Cùng với đó, những cái tên như Thép Vạn Lợi, Thép Sông Hồng… cũng một đi không trở lại.

Doanh thu của ngành thép không song hành cùng lợi nhuận. Con số lãi của ngành khá èo uột, ngoại trừ Thép Hòa Phát và Hoa Sen Group.

Nếu như Hoa Sen có lợi thế về “thời thế” khi thị trường bất động sản khó khăn, con số lợi nhuận của tập đoàn này là 581 tỷ đồng vào năm 2013 khi doanh thu đạt 11.760 tỷ đồng và chỉ còn 410 tỷ đồng năm 2014 khi doanh thu đạt 14.990 tỷ đồng thì Hòa Phát lại khác.

Thép Hòa Phát là DN duy nhất của ngành thép đã có bước phát triển vượt bậc trong thế khó. Năm 2014, doanh thu của tập đoàn này đạt 26.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ thép chiếm 80%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.200 tỷ đồng.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Dự kiến kế hoạch bán ra của thép Hòa Phát vẫn tăng 20% so với năm 2014 và thị trường nội địa chiếm 90% doanh thu. Năm 2014, Hòa Phát chỉ xuất khẩu 100.000 tấn phôi thép”

Với sự tăng trưởng đó, Hòa Phát đang là giấc mơ của tất cả các DN ngành thép. Thế nhưng, với năng lực hiện tại thì các DN ngành thép dường như vẫn đang "mơ về nơi xa lắm”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan