Doanh nghiệp toàn ngành thép, áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn

Doanh nghiệp toàn ngành thép, áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn

Ngành thép còn thách thức

(ĐTCK) Đúng như dự đoán, hàng loạt DN ngành thép công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 cho thấy, các DN ngành thép đang rất khó khăn.

Trước tiên phải nói là vụ biểu tình có tính chất phá hại của một số phần tử xấu ở các Khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp thép có trụ sở tại đây. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, Công ty ông đã phải đầu tư làm cổng ra vào Công ty. Cổng kéo trước đây chỉ mang tính trang trí thì cổng mới chắc chắn hơn để bảo vệ nhà máy. Trong đợt biểu tình vừa qua, DTL chỉ bị vỡ kính cửa, không bị thiệt hại nhiều, nhưng Công ty đã cho một số công nhân, nhân viên tạm nghỉ bớt. Trong thời điểm lo đối phó với đám đông biểu tình nhằm bảo vệ tài sản, hoạt động sản xuất của Công ty đã bị chậm lại.

Ông  Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC phản ánh, Công ty không bị ảnh hưởng gì, nhưng một số đối tác bị ảnh hưởng dẫn đến đơn hàng sản phẩm thép lá của SMC bị chậm lại. Theo ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thì nhờ thương hiệu Hoa Sen được nhiều người biết đến, nên khi đám đông kéo đến trước cổng Công ty, được giải thích là doanh nghiệp Việt Nam thì họ đã bỏ đi. Trong khi đó, cũng trên địa bàn này, 2 nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan ở bên cạnh bị thiệt hại. Tuy nhiên, Hoa Sen cũng không phải là ngoại lệ, sau đó phải căng băng rôn trước cổng với nội dung “Chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam”.

Đó chỉ là khó khăn ngắn hạn và mang tính bất thường của doanh nghiệp ngành thép. Tin mới nhất mà doanh nghiệp ngành tôn thép nhận được từ đối tác tại Indonesia là nhiều khả năng nước này sẽ áp thuế chống bán giá với hàng tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam trong tháng 6 tới. Mức thuế chính thức là bao nhiêu chưa rõ, nhưng mức được đề nghị là 300 USD/tấn. Vì vậy, các đối tác Indonesia, thị trường nhập khẩu số lượng lớn tôn thép của Việt Nam ,đang ngần ngại khi ký hợp đồng.

Trong khi đó tại thị trường nội địa, đối với mặt hàng tôn thép, công suất đang vượt nhu cầu đến 10 lần. Ông Thanh cho biết, do cung vượt cầu nên mùa cao điểm bán hàng là các tháng sau Tết vừa qua mặc dù sản lượng bán hàng vẫn tăng, doanh thu tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng giá bán không tăng được như mọi năm, trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến lợi nhận gộp của Hoa Sen giảm so với cùng kỳ.

DTL cũng công bố số lãi rất khiêm tốn trong quý I năm 2014 chỉ khoảng 3 tỷ đồng, nhưng so với hàng loạt doanh nghiệp ngành thép khác đang thua lỗ thì kết quả kinh doanh của DTL vẫn còn rất khả quan. Chủ tịch Công ty này dự báo, tình hình kinh doanh của ngành thép sang quý II còn khó khăn hơn.

Các doanh nghiệp ngành tôn thép cũng giống như thép xây dựng trước đây, đã bước vào giai đoạn đào thải mạnh mẽ do cung lớn hơn cầu. Một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép của Trung Quốc đã đóng cửa về nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn thép cũng có sự thay đổi lớn về thị phần. Chỉ nhìn ở các doanh nghiệp niêm yết sẽ thấy, trong khi Hữu Liên Á Châu đang thua lỗ thì Hoa Sen đã vươn lên dẫn đầu thị phần ống thép, là dòng sản phẩm chủ lực của HLA trước đây.

Nhìn rộng ra các doanh nghiệp toàn ngành thép, áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn. Số ít doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh như HSG hay HPG đã bành trướng chiếm thị phần. Các doanh nghiệp nhỏ yếu hơn chiếm đa số, chịu sự sàng lọc chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.

Tin bài liên quan