Trong năm nay cũng như các năm tới, nhu cầu than nội địa là rất lớn

Trong năm nay cũng như các năm tới, nhu cầu than nội địa là rất lớn

Ngành than 2018: Cơ hội và khó khăn cùng song hành

(ĐTCK) Theo dự báo của giới chuyên gia, cơ hội và khó khăn sẽ cùng song hành đối với ngành than trong năm 2018, tuy nhiên, cơ hội sẽ lớn hơn nếu các doanh nghiệp ngành này đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và tận dụng được đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, cũng như xu hướng tăng của giá than trên thị trường thế giới.

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong năm 2018, cơ hội đang mở ra đối với ngành than khi nhu cầu than trong nước có xu hướng tăng lên, đặc biệt là than cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp khác như xi măng, hóa chất…

Cùng với đó, theo đánh giá của nhiều tố chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới, giá than thế giới đã tăng trở lại và nhu cầu sử dụng than chất lượng tốt, cũng như giá khoáng sản sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

“Đây là những yếu tố nền tảng thuận lợi để ngành than Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, khai thác than, khoáng sản nói riêng, trong đó có TKV, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh”, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nhận định.

Lượng hóa nhu cầu thị trường than và nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho rằng, trong năm 2018 cũng như trong giai đoạn 2018-2030, nhu cầu than là rất lớn cho các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện đang triển khai trong nước, dự kiến khoảng 60-62 triệu tấn/năm đối với than nhiệt bitum và á bitum, đó là chưa tính đến các dự án nhiệt điện chưa có chủ đầu tư và thời hạn hoàn thành.

“Do đó, ngoài nỗ lực khai thác trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu than để đáp ứng được nhu cầu lớn này”, ông Chuẩn nói.

Chủ tịch TKV chia sẻ thêm, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tính đến năm 2020, ước tính tổng công suất nhiệt điện than vào khoảng 26.000 MW, chiếm gần 50% điện sản xuất; năm 2025 đạt 47.600 MW, chiếm 55%; năm 2030 đạt 55.300MW, chiếm 53,2%.

“Dựa trên nhu cầu than cho sản xuất điện của Việt Nam trong giai đoạn này, ngoài nhu cầu than nhiệt như trên, thì nhu cầu than anthracite cho 24 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động của EVN, PVN và TKV đã lên tới trên 35 triệu tấn/năm, đó là chưa nói đến 4-5 dự án nhà máy nhiệt điện của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước chuẩn bị đi vào hoạt động.

Theo đó, ước tính tổng nhu cầu than loại này lên tới 40-42 triệu tấn/năm. Đây vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức đối với ngành than trong việc đảm bảo đủ lượng than cung ứng từ nguồn khai thác và nhập khẩu”, ông Chuẩn nhìn nhận.

Ông Đặng Thanh Hải cho rằng, hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất mà TKV cũng như hầu hết các thành viên của Tập đoàn đang phải đối mặt là do diện khai thác ngày càng xuống sâu, áp lực mỏ lớn, điều kiện khai thác ngày càng bất lợi, dẫn tới các chi phí về thăm dò, khai thác, đảm bảo an toàn lao động tăng cao.

Đặc biệt, trong điều kiện các loại thuế phí tài nguyên tại Việt Nam còn cao, ước tính cao hơn 10% so với mặt bằng thuế phí chung của các nước trong khu vực, dẫn tới chi phí đầu vào cho sản xuất và khai thác tăng cao, khiến giá thành sản xuất than trong nước cao, giảm sức cạnh tranh và bất lợi so với than nhập khẩu.

“Với 12 mức phí và lệ phí đang áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến than, khoáng sản, cùng với những rủi ro chính sách, sẽ hạn chế khả năng đầu tư, cơ giới hóa, tự động hóa, từ đó làm giảm hiệu quả về lâu dài và giảm tính khả thi về mặt hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, những tác động bất lợi từ thời tiết, biến đổi khí hậu cũng sẽ là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp ngành than phải đối mặt trong năm 2018 và những năm tới”, ông Lê Minh Chuẩn nói.   

Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, không còn cách nào khác, ngành than-khoáng sản phải đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, sản xuất và chế biến để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành than trong nước, từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển những lĩnh vực cốt lõi để có thể tận dụng tối đa các lợi thế phát triển và giảm rủi ro.

“Yêu cầu đặt ra cấp bách hiện nay là tái cấu trúc toàn diện TKV một cách thực chất để đưa TKV thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ cao, mô hình quản trị hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo nguồn cung ứng than cho hoạt động sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trong quan hệ sở hữu, cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu và cộng đồng xã hội để hướng tới phát phát triển bền vững”,
Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan