Ngành giấy: Khó khăn bủa vây

Ngành giấy: Khó khăn bủa vây

(ĐTCK) Với việc xuất khẩu giấy sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, ngành giấy Việt Nam chịu tác động mạnh khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, buộc các doanh nghiệp phải tìm đường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (HHP) cho biết, hoạt động xuất khẩu giấy bao bì năm 2018, hầu hết là giấy lớp mặt và lớp sóng đi thị trường Trung Quốc, tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 sau đó giảm nhanh cả về số lượng và đơn giá cho đến nay.

Nguyên nhân là nhu cầu giấy bao bì tại Trung Quốc giảm mạnh bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Ðộ. Chính vì vậy, giá giấy bao bì trên thị trường trong nước cũng bị giảm đáng kể.

Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho rằng, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ chính sách quản lý để phát triển ngành đến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chưa kể, áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá bán không đi lên cũng khiến doanh nghiệp đau đầu.

Trong bối cảnh này, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Tại Công ty cổ phần Ðông Hải Bến Tre (DHC), nửa đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 436,2 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 46,4 tỷ đồng, giảm 17,7 tỷ đồng. Tính riêng quý II/2019, DHC ghi nhận doanh thu 238 tỷ đồng, giảm 4,07% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 25,2 tỷ đồng, giảm 37,9%.

Lý giải điều này, Tổng giám đốc DHC Lê Bá Phương cho biết, sản lượng sản xuất và bán ra ổn định nhưng giá bán ra giảm mạnh, trong khi giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng khiến doanh thu thuần sụt giảm nhẹ. Chưa kể, giá vốn bán hàng leo dốc 30,9%, chi phí bán hàng tăng 20,09% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 38%. Tất cả các yếu tố này khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của Công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp giấy Việt Nam còn chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường nội địa, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI. Theo HHP, đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các loại giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) với nhiều lợi thế vượt trội và đang gây nên hiện tượng cung vượt cầu đối với loại giấy này. Trong khi đó, xu hướng đẩy mạnh đầu tư vẫn diễn ra, tạo áp lực rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các doanh nghiệp FDI sẽ chiếm trên 60% tổng sản lượng cả nước. Nhiều khả năng thị trường sẽ chịu sự chi phối mạnh của nhóm doanh nghiệp này.

Hiện tại, các doanh nghiệp giấy nội địa đang tập trung vào các sản phẩm giấy làm bao bì, hòm và hộp cacton, với tỷ trọng khoảng 87%. Ðội ngũ doanh nghiệp tuy đông đảo với khoảng 300 công ty (chưa kể các làng nghề), nhưng nhỏ, yếu, công nghệ lạc hậu, chỉ chiếm 50% năng lực sản xuất của toàn ngành, 50% còn lại là của 6 doanh nghiệp FDI.

Thực tế, vốn đầu tư cho một nhà máy giấy rất lớn, ít nhất từ 100 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động... Nếu đầu tư dây chuyền sản xuất giấy 100.000 tấn, cần khoảng 1.000 tỷ đồng, nên đa số doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư máy móc với công suất dưới 30.000 tấn.

Theo một số dự báo, năm 2019, nhu cầu tiêu thụ giấy và bìa giấy sẽ tăng trưởng khoảng 12%; xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%... Tuy nhiên, những diễn biến đang xảy ra trên thị trường và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang là trở ngại lớn khiến ngành giấy khó đạt được như dự báo đề ra.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng mở rộng sang các thị trường mới như Cuba, Mỹ La tinh. Ðây là những thị trường từng có hoạt động xuất khẩu nhưng chưa được các doanh nghiệp chú trọng, bởi thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Trung Quốc. Hiện tại, với việc cuộc chiến thương mại đang diễn ra, hoạt động mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sẽ được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.

Tin bài liên quan