Kế hoạch truyền thông cho sản phẩm mới với ngân sách hạn hẹp đang được nhiều doanh nghiệp SME quan tâm với nhiều quan điểm trái chiều

Kế hoạch truyền thông cho sản phẩm mới với ngân sách hạn hẹp đang được nhiều doanh nghiệp SME quan tâm với nhiều quan điểm trái chiều

Ngân sách ít làm truyền thông thế nào?

Truyền thông giúp cất cánh cho thương hiệu sản phẩm. Nhưng khi doanh nghiệp còn non yếu, chưa đủ tiềm lực kinh tế, liệu có con đường nào để chắp cánh cho thương hiệu.

Tại một doanh nghiệp SME hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm ăn liền đã tham gia thị trường được 3 năm. Doanh nghiệp này được lập nên bởi 3 cổ đông. Trong đó, một cổ đông đứng ra đảm trách vai trò CEO của công ty. Vừa qua, sau khi nghiên cứu thành công một dòng sản phẩm độc đáo và có tính tiên phong, CEO của Công ty đã chuẩn bị chương trình truyền thông bài bản với kỳ vọng tạo ra sự  bứt phá cho công ty. Các cổ đông còn lại đều đang háo hức với viễn cảnh đổi đời với sản phẩm dẫn đầu thị trường trong tay.

Nhưng tất cả bỗng chợt tỉnh mộng khi CEO đưa ra ngân sách cho truyền thông. Với  chương trình thị trường rất chi tiết, vấn đề truyền thông thương hiệu và sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch tung sản phẩm và làm bùng nổ thị trường được chuẩn bị kỹ lưỡng và đương nhiên ngân sách không hề nhỏ.

Công ty mới tham gia thị trường chưa được bao lâu, nguồn lực có hạn. Để triển khai chương trình trên, công ty sẽ phải tìm thêm nguồn vốn. Nguồn đầu tiên được nghĩ tới là từ các cổ đông. Tiếp đó là huy động từ các nguồn khác.

Tỉnh mộng, các cổ đông còn lại của công ty quyết liệt phản đối kế hoạch của CEO. Thay vẻ háo hức ban đầu, giờ đây, họ thấy cần thủ thế là hơn. Rằng, trong giai đoạn hậu khủng hoảng hiện nay, thị trường còn trầm lắng, cần giữ chặt túi tiền, làm chương trình truyền thông thương hiệu bài bản sẽ mất nhiều chi phí.  Doanh nghiệp cũng nên tập trung vào bán hàng trực tiếp, tận dụng hoàn cảnh thực tế và phát triển kiểu mưa dầm thấm lâu.

Ngân sách eo hẹp, sản phẩm mới lại có khả năng sinh lợi cao. Việc tiếp tục đầu tư hay không đều phụ thuộc sự đồng sức, đồng lòng của các cổ đông. Liệu lợi nhuận cao trong trường hợp này có đáng để các cổ đông chấp nhận rủi ro lớn?

Có cách nào để quảng bá sản phẩm, không nhất thiết phải ồ ạt, rầm rộ mà vẫn đạt được hiệu quả mong muốn?

Theo lẽ thường, doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực kinh tế thì “liệu cơm gắp mắm”, tìm phương pháp tiết kiệm nhất để tiếp cận khách hàng. Và trong trường hợp này CEO phải linh hoạt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng chiêu “mượn lực trợ lực”. Nếu ngân sách eo hẹp phải nghĩ cách làm sao cho nhiều bên có lợi ích, không phải cái gì cũng phải dùng đến ngân sách của công ty. Nhiều người đã quen  có sẵn tiền trong tay và đầu tư, nhưng có ai đã từng nghĩ đến khi doanh nghiệp nguồn vốn eo hẹp, mà vẫn có phương án truyền thông hiệu quả.

Trong trường hợp này, nếu CEO đưa ra được các con số về thành công cho đợt tung ản phẩm mới ra thị trường thì các cổ đông sẽ sẵn sàng chi tiền cho truyền thông. Còn nếu CEO chỉ dựa trên quan điểm riêng, các cổ đông cần xem lại vì một sản phẩm mới chưa chắc đã thành công.

Chương trình Chìa khóa thành công - CEO – Phiên bản SME 2014 tuần này tiếp tục đề cập đến nội dung nêu trên. Đây sẽ là câu chuyện thú vị vì  có nhiều quan điểm trái chiều.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tin bài liên quan