Ngăn chặn gian lận xuất xứ “Made in Vietnam”

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lấy Việt Nam làm “cứ điểm” để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. “Việt Nam phải chủ động phối hợp, hợp tác với các thị trường xuất khẩu để ngăn chặn tình trạng này”, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh.
Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Đang có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc chuyển vốn đầu tư sang Việt Nam để lẩn tránh thuế, "tẩy" nguồn gốc xuất xứ, nhằm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vấn đề là Việt Nam không thể chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp này, thưa ông?

Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp FDI đã rút khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó có cả doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số các doanh nghiệp này cũng có những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam. Như vậy, mục đích chính của họ là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, những doanh nghiệp này chỉ tập trung vào đầu tư nhà xưởng, kho bãi, còn máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất rất đơn giản vì mục tiêu của họ không phải sản xuất tại Việt Nam, mà chỉ sơ chế, lắp ráp, đóng gói lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Phải khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là mở cửa, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp FDI, nhưng doanh nghiệp FDI phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Chúng ta không đóng cửa, rút giấy phép đối với những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm mục đích “tráng men” hàng hóa nhập khẩu, nhưng không cho phép họ ghi “Made in Vietnam” lên hàng hóa chỉ đóng gói, sơ chế, lắp ráp đơn giản tại Việt Nam để xuất khẩu. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ, tính chất sẽ bị xử lý. Còn nếu hàng hóa, sản phẩm của họ đáp ứng quy tắc xuất xứ thì vẫn được gắn “Made in Vietnam” khi xuất khẩu.

Theo ông, có khó phát hiện ra những doanh nghiệp này?

Không khó nếu các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý, phối hợp chặt chẽ với nhau. Ví dụ, doanh nghiệp có doanh số bán hàng lớn nhưng sử dụng rất ít lao động, tiêu thụ rất ít điện, nước và các chi phí khác để tạo ra sản phẩm. Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không đầu tư thiết bị, dây chuyền, máy móc, nhà xưởng, nhưng có kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu tăng đột biến, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam…

Tất cả doanh nghiệp này nằm trong diện nghi ngờ và các cơ quan quản lý cần đi kiểm tra thực tế.

Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ làm gì với đối tượng có nghi vấn gian lận xuất xứ “Made in Vietnam”, thưa ông?

Theo Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn thì cơ quan hải quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất - nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất - nhập khẩu, gửi thông tin xác minh tới các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O), thành lập đoàn kiểm tra…

Tóm lại, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo đúng các cam kết quốc tế về thuế quan, thực hiện quản lý ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu; ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp trong quá trình làm thủ tục hải quan và khi thanh, kiểm tra sau thông quan.

Thực tế, chúng tôi đã và đang tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cơ quan hải quan các địa phương kiểm tra, xác định xuất xứ đối với mặt hàng gỗ dán, xe đạp, xe đạp điện và linh kiện…

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, ví dụ nguyên liệu hạt điều, tôm… Và thực tế đã bị một số thị trường xuất khẩu áp thuế rất cao, vì cho rằng có gian lận xuất xứ?

Việc nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến hàng xuất khẩu không bị cấm, vấn đề là mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất - nhập khẩu) hàng nhập khẩu phải khác mã HS hàng xuất khẩu.

Ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, thịt bò về để chế biến thành xúc xích, pa-tê, giăm bông, thịt hun khói…, khi xuất khẩu không bị coi là lẩn tránh phòng vệ thương mại vì mã HS của nguyên liệu nhập khẩu khác hoàn toàn mã HS của sản phẩm xuất khẩu vì đã làm thay đổi căn bản tính chất của hàng hóa khi nhập khẩu và khi xuất khẩu. Nhưng nếu nhập khẩu thịt rồi về xẻ ra, đóng gói; nhập khẩu tôm nguyên liệu, hạt điều… không chế biến sâu, không làm thay đổi căn bản tính chất của hàng hóa, mà đem xuất khẩu sẽ bị nước nhập khẩu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Chỉ cần một vài doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa thì toàn bộ ngành hàng sẽ bị nước nhập khẩu áp thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước?

Cũng có nước áp dụng phòng vệ thương mại đối với cả ngành hàng nếu phát hiện ra một doanh nghiệp gian lận xuất xứ. Nhưng nhiều nước chỉ áp dụng phòng vệ thương mại với doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp khác không bị ảnh hưởng.

Dù nước nhập khẩu thực hiện cách thức phòng vệ thương mại thế nào thì quan điểm của Việt Nam là phải chủ động phối hợp với họ để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan chủ động cung cấp số liệu, địa chỉ cụ thể doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận.

Tin bài liên quan