Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng hóa Trung Quốc nên có cơ hội gia tăng xuất khẩu .

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng hóa Trung Quốc nên có cơ hội gia tăng xuất khẩu .

Nếu 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế thì sao?

(ĐTCK) Nếu kế hoạch áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với danh mục hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị nhập khẩu 200 tỷ USD trong năm 2017 được Mỹ triển khai, thì Việt Nam có một số cơ hội hưởng lợi, nhưng tổng thể là thiệt hại.

Các mặt hàng dự kiến bị áp thuế

Danh sách các mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung đã được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lấy ý kiến công chúng trong khoảng 2 tháng qua, bao gồm nhiều mặt hàng công nghệ cao, gỗ, nội thất, sản phẩm kim loại, phương tiện vận tải, hóa chất, nhựa, cao su, túi xách, nông sản và thực phẩm chế biến, thủy sản...

Ban đầu, USTR đề xuất áp thuế 10%, nhưng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo xem xét tăng mức thuế lên 25%. Thời gian lấy ý kiến nêu trên đã kết thúc vào ngày hôm qua (6/9/2018), thị trường đang chờ đợi kết quả và quyết định của ông Trump.

Theo tính toán của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam, các dòng sản phẩm dự kiến bị đánh thuế chủ yếu là hàng hóa thành phẩm và chiếm tỷ trọng gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đại lục vào Mỹ năm 2017 (193,4 tỷ USD trên tổng số 505,6 tỷ USD).

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy móc, thiết bị điện, điện tử (24,6%), tiếp theo là máy móc, thiết bị cơ khí (19,7%%), rồi đến gỗ, nội thất (16,7%). 

Cơ hội với Việt Nam

Nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế, các nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng hóa Trung Quốc nên có cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Trong các dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bị Mỹ dự kiến áp thuế, các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 có giá trị khoảng 13 tỷ USD (chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ), tập trung vào đồ gỗ, nội thất; nông sản và thực phẩm chế biến; máy móc, thiết bị điện, điện tử.

Một số chuyên gia cho rằng, cơ hội còn đến từ thu hút FDI, vì nhiều khả năng sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm “né” rào cản thuế nhập khẩu vào Mỹ, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Đại lục hiện không còn thấp và có khả năng tiếp tục tăng.

Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến không ít nhà đầu tư, bao gồm doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Đại lục, tìm nơi sản xuất thay thế, hoặc đa dạng hóa nơi sản xuất. 

… Nhưng đi kèm thách thức

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ, nhưng chính những sản phẩm này tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gặp khó khăn.

Bởi lẽ, khi hàng Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ, rất có thể Đại lục sẽ tìm cách “đổ bộ” vào Việt Nam, gia tăng cạnh tranh với hàng trong nước và làm tăng nguy cơ nhập siêu, hoặc “mượn” xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ.

Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, một phần hàng hóa đáng lẽ sẽ xuất khẩu sang Mỹ có thể buộc phải tiêu dùng trong nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm.

Đối với sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, tình trạng này nếu diễn ra thì khía cạnh thách thức là tạo thêm sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp nội, nhất là trong một số ngành hàng vốn nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ Đại lục.

Đáng chú ý, không ít chuyên gia kinh tế quan ngại về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, trong khi VND tương đối ổn định so với USD, nghĩa là VND tăng giá so với Nhân dân tệ.

Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, nên Nhân dân tệ mất giá, các nhà nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này hưởng lợi, vì giá hàng hóa trở nên rẻ hơn, nhất là khi việc thanh toán được thực hiện chủ yếu bằng USD.

Tuy nhiên, nếu Nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì nguy cơ hàng hóa giá rẻ từ Đại lục sẽ tràn vào, cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nội, đồng thời làm tăng quy mô nhập siêu (năm 2017, nhập siêu gần 22,8 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2018 nhập siêu 14,5 tỷ USD). Cái giá mà nền kinh tế chung phải trả trong trường hợp này là lớn hơn nhiều.

Trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam xuất siêu 32,4 tỷ USD sang Mỹ, con số này trong 6 tháng đầu năm 2018 là 15,9 tỷ USD.

Trong bối cảnh nhiều nước phá giá tiền tệ để tranh giành thị trường xuất khẩu, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá VND so với USD, nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ, vừa hạn chế hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Giảm giá VND so với USD còn giúp tăng thu hút FDI và giảm nguy cơ ngoại tệ mạnh này chảy ra ngoài biên giới trước sức hấp dẫn chênh lệch lãi suất huy động USD ở Việt Nam với Mỹ đang tăng.

Lãi suất USD tại Việt Nam hiện là 0%/năm so với mức 1,75 - 2%/năm tại Mỹ, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có kế hoạch tiếp tục tăng dần lãi suất.

Mặc dù vậy, tỷ giá có tác động đến nhiều mặt hoạt động của nền kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ tỷ giá ở mức phù hợp, cân đối giữa các mối quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư… cũng như nghĩa vụ trả nợ quốc gia. 

Dự báo tác động

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với quy mô 200 tỷ USD nếu diễn ra có thể khiến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2019 giảm 0,61% so với kịch bản gốc (không có chiến tranh thương mại), năm 2020 và 2021 giảm trên dưới 0,9%/năm, sau đó giảm dần mức độ tác động.

Đối với nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, mức tác động năm 2019 là giảm 0,52%, năm 2020 giảm 0,87%, 4 năm sau đó giảm trên 1%/năm so với kịch bản gốc. Mức độ ảnh hưởng giảm đến GDP năm 2019 là 0,33%, năm 2020 là 0,4%, sau đó giảm dần. Với thu hút FDI, mức độ ảnh hưởng không nhiều

TS. Thắng lưu ý, đây là dự báo tác động sử dụng mô hình Nigem, được hầu hết các quốc gia trong khối OECD và nhiều nước khác sử dụng, nhưng sẽ có nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng đến kết quả dự báo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019”. Theo đó, trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2018, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.

Năm 2019, Bộ phác họa kế hoạch với nhiều chỉ tiêu khả quan, nhưng cũng lưu tâm một số rủi ro, thách thức như chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn, kết hợp với yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân tuý.

Ngày 6/7 và 23/8/2018, Mỹ lần lượt áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, điện, điện tử, thiết bị quang học, phương tiện vận tải... của Trung Quốc có tổng giá trị nhập khẩu trong năm 2017 tương ứng là 34 tỷ USD và 16 tỷ USD (năm 2017, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 505,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu 130,4 tỷ USD, theo đó nhập siêu 375,2 tỷ USD từ Đại lục).

Cùng ngày, Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế bổ sung lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có tổng giá trị tương đương, bao gồm đậu tương, thịt bò, vải sợi, thuốc lá, rượu, máy bay, ô tô… Mức thuế suất nhập khẩu bổ sung mà hai bên áp dụng là 25%.

Ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài, không chỉ trong vòng 1 - 2 năm, vì đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Trung Quốc đang tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo, cạnh tranh với hàng hóa Mỹ, đồng thời đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ đe dọa đến vị thế hàng đầu của Mỹ về kinh tế, nên Mỹ đã thực hiện chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc, nhằm cả mục tiêu kinh tế và mục tiêu cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia.

Tin bài liên quan