Thông tư 164/2013/TT-BTC nhằm khuyến khích các đơn vị đã có đầu tư sản xuất trong nước như Thaco

Thông tư 164/2013/TT-BTC nhằm khuyến khích các đơn vị đã có đầu tư sản xuất trong nước như Thaco

Nam Việt “khóc ròng” vì chăm chăm nhập xe Huyndai!

Là nhà phân phối các dòng xe thương mại của Hyundai Motor tại Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ ô tô Nam Việt đang “khóc ròng” bởi chỉ chăm chăm nhập khẩu mà không quan tâm tới đầu tư sản xuất trong nước.

Bài học đắt giá

Từ năm 2012, Công ty Nam Việt đã nhập khẩu chủ yếu các loại xe ô tô chassi có buồng lái, có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn, nhưng không quá 45 tấn. Các sản phẩm này được áp mã HS là 87042329 và 87042369, mới mức thuế 15%. Đây là những loại ô tô chưa hoàn chỉnh được Công ty Nam Việt cho hay là trong nước chưa sản xuất được. Các sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó đóng mới thành xe ô tô tải hoặc xe chuyên dùng các loại.

Năm 2012, Công ty Nam Việt đã nộp thuế nhập khẩu là 89,3 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng 73,2 tỷ đồng; năm 2013 là 97,9 tỷ đồng thuế nhập khẩu và 112,6 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, từ ngày 1/1/2014, các mặt hàng này đều bị điều chỉnh tăng thuế suất lên 20%, thay vì 15%.

Trong khi đó, Nam Việt đã nhanh chân ký hợp đồng mua hàng của đối tác và bán cho các đại lý mà không tính tới việc thuế thay đổi này. Cụ thể, Công ty đã ký hợp đồng mua 1.070 loại xe chassi có buồng lái với Công ty Hyundai Motor khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công ty cũng đã ký hợp đồng mua bán hàng với 6 đại lý khác với số lượng và giá tiền rất cụ thể.

“Chúng tôi phải đặt hàng với nhà sản xuất từ tháng 9/2013 và đã nhận đặt hàng của các đại lý trong nước từ tháng 9/2013”, ông Bùi Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Công ty cho hay.

Đáng nói là, trong các hợp đồng bán hàng cho các đại lý, Công ty Nam Việt và đại lý có cam kết “giá cả và số lượng đơn hàng không thay đổi, trừ hai trường hợp là biến động tỷ giá VND/USD trên 2% và bên Hyundai Motor thay đổi giá bán”, nghĩa là không tính tới yếu tố thuế thay đổi để điều chỉnh hợp đồng.

Chính vì vậy, khi thuế nhập khẩu với các mã HS 87042329 và 87042369 thay đổi thì Công ty thiệt hại khá lớn. Riêng phần điều chỉnh tăng thuế theo Thông tư 164/2013/TT-BTC khiến Công ty thiệt hại tương đương 74 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Khuyến khích sản xuất trong nước

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cho hay, các dòng xe ô tô tải có tải trọng trên 20 tấn đến dưới 45 tấn trong nước đã có thể làm được. Thaco đã đầu tư nhiều trăm tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất xe tải và xưởng cơ khí để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với các dòng xe này. Tổng sản lượng xe tải mà Thaco có thể sản xuất là 30.000 chiếc/năm và tùy theo thị trường mà cho ra các cơ cấu sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Về nguyên tắc, các doanh nghiệp chỉ nhập chassi rồi gia công, hàn, dập và thêm phần nội địa hóa để lên xe hoàn chỉnh. Còn chassi có buồng lái khác nào nhập xe nguyên chiếc và chỉ thêm mỗi thùng xe. Các xe tải của Thaco được sản xuất từ linh phụ kiện và có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Vì vậy, việc tăng thuế nhập khẩu với các loại xe tải có động cơ dùng để vận chuyển hàng hóa theo quy định của Thông tư 164/2013/TT-BTC cũng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đã có đầu tư sản xuất trong nước”, một đại diện của Thaco cho hay.

Mặt khác, cùng với việc kiểm soát xe quá tải trọng hiện nay, cơ cấu mặt hàng ô tô tải cũng đang có những thay đổi nhất định theo hướng chuyển sang các dòng xe có tải trọng hạng trung để phù hợp với điều kiện đường sá. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất xe tải trong nước cũng đang có những tính toán về mặt cơ cấu sản phẩm để đáp ứng các điều kiện mới này.

Tin bài liên quan