Muốn gọi vốn ngoại,  phải viết tiếng Anh

Muốn gọi vốn ngoại, phải viết tiếng Anh

(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang đổ vào TTCK Việt Nam ngày càng nhiều, việc công bố thông tin (CBTT) dường như đang trở nên khập khiễng, khi hầu hết các DN mới chỉ thực hiện CBTT bằng ngôn ngữ tiếng Việt, là rào cản không nhỏ đối với việc tiếp cận thông tin của khối nhà đầu tư nước ngoài.

CBTT bằng tiếng Anh: Chỉ đếm trên đầu ngón tay

Theo thống kê sơ bộ của ĐTCK, tính đến hết năm 2013, toàn thị trường có khoảng 20 DN niêm yết đã lấp đầy “room” của nhà đầu tư nước ngoài, số DN có tỷ lệ sở hữu khối ngoại từ 30% đến dưới 49% cũng lên tới con số vài chục. Vậy nhưng, ngoài một số DN có quy mô lớn như CTCP Kinh Đô (KDC), CTCK TP. HCM (HCM), CTCP FPT (FPT), CTCP Sữa Việt Nam (VNM)… thực hiện CBTT bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Anh, thì phần lớn các DN còn lại mới chỉ thực hiện CBTT bằng tiếng Việt. Trên website của những công ty này, dù có thiết kế giao diện tiếng Anh, nhưng các nội dung đưa lên còn rất sơ sài.

Chẳng hạn, tại CTCP Bibica (BBC), tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đạt 49%, trong đó cổ đông nước ngoài lớn nhất là Lotte Confectionery Co,.Ltd đang sở hữu tới 43% vốn điều lệ, nhưng trên website của Công ty, giao diện tiếng Anh mới dừng lại ở… dạng menu, còn nội dung hoàn toàn chưa có gì.

Tại một số đơn vị khác như CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khang (VKC), CTCP Siêu Thanh (ST8), CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH)…, việc CBTT bằng tiếng Anh cũng không có nhiều khác biệt.

Cụ thể, tính đến ngày 24/3/2014, 44,5% vốn điều lệ VKC thuộc về cổ đông nước ngoài; trong đó, chủ yếu là cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức chỉ có duy nhất Iwai Cosmo Securities Co., Ltd chiếm tỷ lệ 0,08%. Trong khi với giao diện bằng tiếng Việt, các thông tin được công bố khá đầy đủ và chi tiết, thì trong giao diện tiếng Anh, ngoài một số thông báo được dịch, còn hầu hết các báo cáo (từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, đến các Nghị quyết HĐQT, Nghị quyết ĐHCĐ) lại bằng… tiếng Việt.

Thậm chí, với CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (VLA), website của doanh nghiệp còn không có cả phần tiện ích đọc bằng tiếng Anh, khi mà tỷ lệ sở hữu của nhà đầu nước ngoài tại doanh nghiệp này hoàn toàn không nhỏ, chiếm tới 46,56% (tính đến ngày 25/4/2014).

Chưa bắt buộc, nhưng cần thiết

Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định về CBTT trên TTCK quy định, ngôn ngữ thực hiện CBTT trên TTCK Việt Nam phải là tiếng Việt. Trường hợp pháp luật quy định CBTT bổ sung bằng ngôn ngữ khác, ngôn ngữ thực hiện CBTT bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo quy định. Điều này có nghĩa, việc CBTT bằng tiếng Anh không phải là yêu cầu bắt buộc, mà mới chỉ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngoại đang quan tâm đến TTCK Việt Nam, với giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài thông qua sàn từ đầu năm đến nay đã đạt khoảng 3.700 tỷ đồng (trong đó, giá trị mua vào là trên 24.000 tỷ đồng) và đang trở thành một lực đỡ cho TTCK Việt Nam, thì việc CBTT bằng tiếng Anh, để phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin doanh nghiệp từ khối nhà đầu tư ngoại đang trở thành một yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với các DN niêm yết. Có thể đối với các nhà đầu tư (nước ngoài) tổ chức, được hỗ trợ bởi những bộ phận chuyên môn thì việc DN niêm yết trong nước không CBTT bằng tiếng Anh không phải là vấn đề, nhưng rõ ràng, với các nhà đầu tư cá nhân, dường như đây đang là rào cản trước các quyết định đầu tư của họ.

Vấn đề này cũng được đại diện Ngân hàng HSBC, ngân hàng hiện đang cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán cho hơn 54% tổ chức đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đặt ra tại Hội thảo “Vai trò của thị trường vốn trong tái cấu trúc nền kinh tế”, tổ chức tại TP. Quy Nhơn - tỉnh Bình Định mới đây. Theo đó, chuyên gia của HSBC khuyến nghị các cơ quan quản lý TTCK nên có quy định yêu cầu các công ty đại chúng quy mô vốn lớn phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhằm thúc đẩy tính công khai, minh bạch của thị trường.

Tin bài liên quan