Một loạt tập đoàn từ Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ… đến Việt Nam chào bán công nghệ nông nghiệp

Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ nông nghiệp trên thế giới.     

Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ… chào bán công nghệ

Hãng Netafim, một công ty của Israel có doanh thu trên 1 tỷ USD mỗi năm, đã đặt chân vào Việt Nam từ khá sớm và đang cung cấp thiết bị tưới nhỏ giọt cho hàng trăm hộ dân cả nước.

Ông Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Khang Thịnh Irrigation Technology JSC, đại lý độc quyền của Netafim cho biết, sản phẩm của Netafim từ chỗ được coi như đến từ “hành tinh khác”, thì nay đã phủ sóng rộng rãi ở Đà Lạt. Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt (kết hợp bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật) với người dân giờ đã trở thành nhu cầu đương nhiên.   

Bên cạnh Netafim,  Afimilk cũng được biết đến ở Việt Nam với tư cách đơn vị tư vấn và chuyển giao công nghệ Israel cho TH true MILK. Thương hiệu sữa TH True MILK đã khiến người Việt Nam biết đến nhiều hơn tới nông nghiệp công nghệ cao lừng danh của Israel.

Một loạt tập đoàn từ Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ… đến Việt Nam chào bán công nghệ nông nghiệp ảnh 1

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được áp dụng hiệu quả lại Công ty TH true MILK. Ảnh: Đức Thanh 

Thành công của Netafim, Afimilk đã gợi cảm hứng cho hàng chục doanh nghiệp công nghệ của Israel với thị trường Việt Nam. Mới đây, hơn 30 doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam là công nghệ. Vì là người đi sau, Việt Nam càng phải nắm bắt và ứng dụng ngay được những công nghệ nguồn của thế giới. Ngoài Israel, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kết nối với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Thụy Sỹ, Hà Lan… để có thêm thông tin, thêm lựa chọn cho doanh nghiệp Việt.

Vì là người đi sau, Việt Nam càng phải nắm bắt và ứng dụng ngay được những công nghệ nguồn của thế giới.

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ), người được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “đặt hàng” kết nối doanh nghiệp công nghệ Thụy Sỹ với doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Phái đoàn đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Thụy Sỹ và những mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ rất phù hợp với Việt Nam.  Nhiều doanh nghiệp trong số này đã và đang làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết đều đánh giá cao triển vọng của thị trường Việt Nam.

“Các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp Thụy Sỹ rất am hiểu về nông nghiệp Việt Nam và họ rất mong muốn được cùng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư công nghệ chế biến trong thời gian tới”, Đại sứ cho biết.

Ngoài Israel và Thụy Sỹ, Hà Lan cũng rất quan tâm đến làn sóng nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho biết, thời gian tới, bà sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối doanh nghiệp hai nước để hợp tác nhiều hơn trong nông nghiệp công nghệ cao, cả thiết bị lẫn giống rau, hoa quả.

Doanh nghiệp Việt khát sản phẩm công nghệ chuyên biệt

Ông Lương Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống bò thịt, sữa Yên Phú (Ninh Bình) cho biết, lo lắng lớn nhất của công ty hiện nay là bảo quản thịt bò.

“Tại nhiều nước, thịt bò có công nghệ bảo quản trong tủ mát 2 -3 tháng (không cấp đông) mà  màu sắc vẫn tươi sáng, vị thơm ngon, trong khi tại Việt Nam bảo quản ngăn mát 3 - 5 ngày là thịt đã có dấu hiệu thâm đen, mùi khó ngửi. Chúng tôi rất muốn hợp tác với đối tác trên thế giới có công nghệ bảo quản này”, ông Tùng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho hay, đã qua thời doanh nghiệp Việt chuộng nhập khẩu dây chuyền, máy móc lạc hậu, công nghệ kém từ những “ông hàng xóm”, mà  đã “chịu chơi” muốn nhập khẩu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Điều khó nhất là tìm công nghệ phù hợp với từng doanh nghiệp.

Hay tại Bắc Giang, nỗi trăn trở lớn nhất của người dân và doanh nghiệp chính là khâu bảo quản quả vải, bởi thời gian thu hoạch một vụ ngắn, chỉ diễn ra trong vòng một tháng nên sức ép tiêu thụ rất lớn. Hiện một số nước như Australia, Nhật… đã có công nghệ bảo quản quả vải, nhưng vỏ vẫn thâm đen, mùi vị không còn thơm ngon như vải tươi. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND Bắc Giang mong muốn, sẽ có doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ bảo quản quả vải để chào bán cho Việt Nam.

Trong bối cảnh các nước đã có rất nhiều thành tựu nông nghiệp công nghệ cao nổi bật, cái khó của doanh nghiệp Việt không chỉ là lựa chọn công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để đặt hàng, mà còn là vấn đề hợp tác và chuyển giao công nghệ phù hợp với Việt Nam.

Theo ông Dương Chí Dũng, điều đáng mừng là các doanh nghiệp Thụy Sỹ cam kết không bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ dây chuyền, thiết bị đắt đỏ, mà sẵn sàng sang Việt Nam khảo sát để xây dựng công nghệ phù hợp và hợp tác chuyển giao công nghệ. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trong nước mong mỏi.

Tin bài liên quan