Hồ cá sử dụng nước thải sau khi xử lý tại nhà máy bia Heineken Việt Nam.

Hồ cá sử dụng nước thải sau khi xử lý tại nhà máy bia Heineken Việt Nam.

Mô hình kinh tế tuần hoàn: Cơ hội từ thị trường 4.500 tỷ USD

Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Nguồn lợi lớn

“Trước các dự báo chỉ ra rằng, đến năm 2050, lượng rác thải sẽ nhiều hơn lượng cá trên đại dương. Đây là những điều cần suy nghĩ không chỉ với doanh nghiệp mà mỗi cá nhân. Một trong cách thức giảm thiểu vấn nạn trên thì việc giải quyết bằng kinh tế tuần hoàn là khả thi nhất”. Đó là quan điểm được đại diện Heineken Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả”, do VCCI tổ chức tháng 7/2019.

Tại đơn vị này đã có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn; và 4 trên 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.    

Hay tại Unilever Việt Nam, đang áp dụng chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước là một ví dụ điển hình của doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường.

Với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng, đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn héc-ta cao su trong vùng.

Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo khủng và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo nái, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho Lộc Phát.

Từ câu chuyện trên, có thể thấy, nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ phế phẩm sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì nay, việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc.

Quá trình này chính là kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - CE), biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ khái niệm “chất thải”. Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển bền vững.

Kiến tạo tương lai xanh

Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá lên tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Dù khái niệm này dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn hạn chế, chủ yếu áp dụng ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đứng trước cơ hội từ thị trường có giá trị lên tới 4.500 tỷ USD, Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực. Từ năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.

Bộ Công thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Từ việc tham dự Diễn đàn Thế giới về CE năm 2019 tại Phần Lan và tham gia Chương trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, tham quan các mô hình sản xuất, thực tế kinh doanh các sản phẩm từ CE tại CHLB Đức, Bộ Công thương đã có cơ hội tiếp nhận nhiều thông tin, kinh nghiệm, ý tưởng tốt có thể tham khảo cho Việt Nam để xây dựng chính sách áp dụng CE cho riêng mình.

Chẳng hạn, với ngành dệt may, những phần vải vụn được doanh nghiệp đưa vào tái chế thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này thì được gắn nhãn sản phẩm CE.

Hay như bã, vỏ hạt cà phê được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống cà phê đạt tiêu chuẩn và cũng được dán nhãn sản phẩm CE.

Tại nhiều nước, những sản phẩm dán nhãn CE được người tiêu dùng ủng hộ tích cực, trong khi đó, ở Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các sản phẩm phụ, phế liệu, nguyên liệu tái chế... nhưng lại chưa được “Chứng nhận” và sự đón nhận của thị trường còn rất hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), doanh nghiệp Việt Nam đã và đang là một phần của CE toàn cầu. Song, trong phạm vi quốc gia thì các nội dung về CE còn chưa được quan tâm.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt có thể tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã thành công trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chung tay trong những nỗ lực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Lựa chọn kinh tế tuần hoàn ngay từ hôm nay để có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai xanh cho ngày mai.

Với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày mai (12/9) với nhiều sáng kiến nổi bật.

Hội nghị sẽ ký cam kết của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (các sáng kiến giải quyết thách thức từ rác thải nhựa của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới); Cam kết thực hiện phong trào năng suất do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tin bài liên quan