Luật sửa đổi 2 luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ thay thế khái niệm “doanh nghiệp nhà nước“

Luật sửa đổi 2 luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ thay thế khái niệm “doanh nghiệp nhà nước“

(ĐTCK) Ngày 20/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”. Đáng chú ý, khái niệm "doanh nghiệp nhà nước" sẽ bị thay thế.

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật sửa đổi 2 luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo trên cơ sở tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn vướng mắc lớn liên quan tới hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, phát sinh sau một thời gian đưa vào thực hiện 2 luật.

Đồng thời, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các quy định và thể chế về kinh doanh và đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần đưa môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam thuận lợi, an toàn hơn với mức chi phí kinh doanh rẻ hơn.

Luật sửa đổi 2 luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ thay thế khái niệm “doanh nghiệp nhà nước“ ảnh 1 

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư trong dự thảo Luật sửa đổi sẽ hướng tới làm rõ hơn về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

"Luật cũng nhằm cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế", ông Tuấn cho biết thêm.

Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi bổ sung sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 của Luật Đầu tư theo hướng bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư; bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài.

Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. 

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 32 theo hướng bổ sung dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển vào diện chấp thuận chủ trương đầu tư để thống nhất với Luật Đất đai. Phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án do hộ gia đình, cá nhân thực hiện để thống nhất với thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong Luật sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo đó, sửa đổi quy định để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.

Bãi bỏ một số điều khoản quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; Chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; Chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; Yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh; Mẫu văn bản ủy quyền.

Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng sửa đổi khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thay thế thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước” bằng thuật ngữ doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” quy định tại các Điều 88, 89 Chương IV Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi 2 luật sẽ sửa đổi theo hướng quy định thống nhất quy định về tài khoản với pháp luật về ngoại hối. Bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của các doanh nghiệp, gỡ vướng các điểm nghẽn hiện đang gây khó cho các loại hình doanh nghiệp liên quan do các bất cập phát sinh mà Luật Doanh nghiệp 2014 chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết triệt để.

Thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước” sẽ được thay thế thành doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Đồng thời, bãi bỏ các yêu cầu về thời gian sở hữu cổ phần khi thực hiện quyền của cổ đông, bổ sung sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong việc chia, tách doanh nghiệp theo quyết định của doanh nghiệp thay cho việc giới hạn trong các phương thức cụ thể như hiện nay.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số nội dung tại các luật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật.

Đó là một số điều khoản, quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng chỉ cấp visa đầu tư cho nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn hoặc đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam; Luật Kinh doanh bảo hiểm để bãi bỏ quy định Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

Sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản tại Luật Điện ảnh để bãi bỏ điều kiện thành lập doanh nghiệp điện ảnh và điều kiện sản xuất phim; Sửa đổi 1 điều khoản của Luật hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng bãi bỏ quy định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi cấp Giấy chứng phép kinh doanh vận chuyển hàng không để tránh trùng lặp với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; bãi bỏ khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu để bãi bỏ điều kiện về chứng chỉ hành nghề đấu thầu;

Bãi bỏ một số điều khoản tại Luật Bảo vệ môi trường để không yêu cầu thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo đó, việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện tại thời điểm trước khi nhà đầu tư được cấp, điều chỉnh Giấy phép xây dựng (đối với dự án có xây dựng công trình) hoặc Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản); Bãi bỏ Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị để bãi bỏ điều kiện tư vấn, tham gia lập quy hoạch đô thị...

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Bên cạnh những tiến bộ cần được ghi nhận ở hai đạo luật quan trọng bậc nhất của pháp luật kinh doanh, thì thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải nhìn nhận lại và yêu cầu sửa đổi hai văn bản này.

Những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, cũng như những mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới, các động lực phát triển tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải cải cách hơn nữa, và bắt đầu từ việc nhìn lại hai văn bản luật quan trọng.

Vẫn còn rất nhiều không gian để chúng ta thực hiện được điều đó. Hi vọng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ chủ động nói lên tiếng nói từ thực tiễn kinh doanh để ban soạn thảo, các cơ quan nhà nước có liên quan có thêm thông tin hữu ích trong việc sửa đổi hai đạo luật này.

Tin bài liên quan