Không chỉ công tác tìm kiếm khai thác dầu khí gặp khó khăn, mà nhiều dự án lớn của ngành dầu khí cũng bị chậm tiến độ

Không chỉ công tác tìm kiếm khai thác dầu khí gặp khó khăn, mà nhiều dự án lớn của ngành dầu khí cũng bị chậm tiến độ

Lo chuyện tìm dầu

Công tác tìm kiếm dầu khí trong năm 2019 gặp nhiều khó khăn, tạo áp lực lớn đối với việc bù đắp sản lượng khai thác, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Khó khăn trong tìm kiếm, thăm dò

Năm 2019, mặc dù mức tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác đạt 13,38 triệu tấn, có nhích lên so với năm 2018, nhưng nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành dầu khí đề ra ở trong nước là 20 - 30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8 - 12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm), thì thực tế gia tăng trữ lượng đạt thấp hơn nhiều.

Cụ thể, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần, tức là tiếp tục ở mức báo động, không đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), số giếng khoan thăm dò thẩm lượng năm 2019 vẫn khiêm tốn so với những năm 2011 - 2015, tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về chính trị.

PVN cho biết, một thực tế là sản lượng các mỏ suy giảm tốc độ nhanh hơn so với dự kiến, các dự báo trước đây chưa lường hết phức tạp địa chất, nên sản lượng thực tế không được như dự tính. Các mỏ được đưa vào khai thác từ năm 2011 đều có quy mô nhỏ, phải dùng nhiều biện pháp gia tăng sản lượng với chi phí cao.

Chẳng hạn, mỏ Cá Tầm chỉ đạt 50,3% kế hoạch năm; mỏ Rạng Đông - Phương Đông đạt 77,3%; mỏ Lan Tây, Lan Đỏ đạt 90,6% và lô PM 304 - Malaysia đạt 74% kế hoạch năm.

Một trong những lý do khiến việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí gặp khó khăn là quy chế tài chính của công ty mẹ - tập đoàn vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn tới khó khăn về vốn, trong khi các chính sách, cơ chế cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí chưa được xử lý triệt để.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, đây là nghị định của Chính phủ mà đã 4 năm chưa có, thì làm sao có thể yên tâm công tác trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, Dự thảo Quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN đã được Bộ Tài chính đưa ra từ đầu năm 2016, nhằm thay thế các quy định tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP, để phù hợp với nhiều quy định mới của luật pháp liên quan đến lĩnh vực đặc thù như ngành dầu khí.

Tháng 1/2018, Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được ban hành, khiến Quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN theo Nghị định 06/2015/NĐ-CP không còn căn cứ pháp lý để vận dụng.

Các dự án lớn bị chậm tiến độ

Không chỉ công tác tìm kiếm khai thác dầu khí gặp khó khăn, mà nhiều dự án lớn của ngành dầu khí cũng bị chậm tiến độ. Trong năm 2019, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 30.400 tỷ đồng, chỉ bằng 58,4% kế hoạch năm.

Hầu hết các dự án đầu tư đều gặp khó khăn, tiến độ không đạt như kỳ vọng, việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án trọng điểm của Tập đoàn như Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1… đều chậm.

Chẳng hạn, tại Dự án chuỗi khí Lô B, 48/95 & 52/97, tiến độ dự án đường ống đang bị chậm do vướng mắc từ khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện trên bờ. Các dự án điện vẫn chưa được Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc tính giá điện khi chuyển ngang giá khí, dẫn tới giá điện bị đội lên rất nhiều so với mức giá bán lẻ điện hiện nay.

Theo kế hoạch, dòng khí từ dự án sẽ có vào quý IV/2023. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn của Cục Điều tiết Điện lực gửi PVN và EVN cũng như các bên đối tác nước ngoài thì vẫn chưa thể đảm bảo bao tiêu toàn bộ lượng khí Lô B hàng năm như nội dung của Báo cáo Kế hoạch phát triển các mỏ khí Lô B & 48/95, 52/97.

PVN đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận một số điểm tiên quyết như nguyên tắc chuyển ngang giá khí vào giá điện, tỷ lệ bao tiêu toàn bộ cho các hộ tiêu thụ khí Lô B và sớm hoàn tất đàm phán bảo lãnh Chính phủ (GGU).

Đối với chuỗi dự án Cá Voi Xanh, PVN đang phối hợp cùng ExxonMobil đàm phán Hợp đồng bán khí cho các hộ tiêu thụ là các nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh. Tuy nhiên, cũng giống như với chuỗi Dự án khí Lô B nói trên, với yêu cầu giá khí được chuyển ngang sang giá điện, chuyện giá điện cao cũng làm các cơ quan hữu trách e ngại khi phê duyệt dự án điện, khiến dự án khai thác khí bị ảnh hưởng theo.

Ở một dự án khác là đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, PVN đang tiếp tục triển khai thực hiện các gói thầu theo hợp đồng/kế hoạch đề ra, gồm gói thầu FEED đường ống và các trạm, gói thầu FEED nhà máy xử lý khí 2, gói thầu EPC đường ống và các trạm, gói thầu EPC đường ống biển…

Ngoài ra, hạng mục nhà máy chế biến khí 2 trên bờ vẫn đang chờ UBND tỉnh phê duyệt giá đất để thực hiện bồi thường.

Trong năm 2019, PVN đã đạt tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 736.200 tỷ đồng, vượt 123.900 tỷ đồng so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 108.000 tỷ đồng, vượt 20.500 tỷ đồng so với kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43.800 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch.

Tin bài liên quan