Tại Việt Nam, hiện có gần 20 cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple. Trong ảnh: Cửa hàng F.Studio by FPT của FPT Retail.

Tại Việt Nam, hiện có gần 20 cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple. Trong ảnh: Cửa hàng F.Studio by FPT của FPT Retail.

Liên tục tìm kiếm nhà phân phối, Apple không muốn là “quả táo khuyết” ở Việt Nam

Việc Apple liên tục tìm kiếm nhà phân phối mới để mở các cửa hàng uỷ quyền tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam sẽ sớm trở thành thị trường chiến lược quan trọng của hãng này tại Đông Nam Á.

Tìm đến “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn

Chanel đẳng cấp và sang trọng, Versace kiêu sa và nữ tính, Ferragamo tạo cảm giác thoải mái và thời thượng… cho đến những chuỗi đồ ăn, thức uống Burger King, Domino’s Pizza, gà rán Popeyes, Dunkin’ Donuts và giờ đây, ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) lại tìm đến “quả táo khuyết” Apple để lấn sân vào mảng bán lẻ công nghệ. 

eDiGi - chuỗi cửa hàng kinh doanh bán lẻ và dịch vụ sửa chữa cao cấp chuẩn Apple (APR - Apple Premium Reseller) chuẩn bị ra mắt với cửa hàng đầu tiên rộng 250 m2 tại Bưu điện Thành phố (số 2 - Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) cho thấy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất tham vọng và muốn tham gia cuộc chơi lớn.  

Đây là cửa hàng cao cấp chuẩn Apple đầu tiên tại Việt Nam kinh doanh bán lẻ và cung cấp dịch vụ bảo hành ngay trong cùng một địa điểm. Vậy nên, ngay khi biết tin, các tín đồ của Apple đã hào hứng chờ ngày được trải nghiệm đẳng cấp mới.

Chưa thể nói gì nhiều về eDiGi lúc này, nhưng IPPG khẳng định, đây là một dự ánđầy tiềm năng. 

Doanh số các sản phẩm của Apple tại Việt Nam (gồm iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch) đạt khoảng 1 tỷ USD, trong đó 70% (tương đương 700 triệu USD) thuộc về iPhone.

Thị trường iPhone tại Việt Nam còn khá tiềm năng, bởi nguồn cung lượng iPhone chính hãng trên thị trường hiện mới chiếm 60%, 40% còn lại là các sản phẩm xách tay, trong khi số lượng cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple còn tương đối thấp. Đây chính là cơ hội cho các hãng bán lẻ sản phẩm iPhone.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail (sở hữu chuỗi FPT Shop và chuỗi bán lẻ chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple F.Studio by FPT) coi sự có mặt của eDiGi là một tín hiệu tích cực với thị trường. 

“Lợi thế của eDiGi khi tham gia phân phối và bán lẻ các sản phẩm của Apple tại Việt Nam là không hề nhỏ. Nếu eDiGi có cơ hội “tấn công” vào 40% thị phần - vốn là của hàng Apple xách tay - thì chắc chắn sẽ thành công”, bà Điệp nói. 

Điều này có nghĩa, 60% thị phần hàng chính hãng hiện đang thuộc về hai ông lớn tham gia phân phối ủy quyền cho Apple là FPT Retail và Thế Giới Di Động. Một nguồn tin cho hay, hai đối tác này đang chiếm 80% doanh thu của Apple tại thị trường Việt Nam.

Do đó, việc xuất hiện thêm các cửa hàng tiêu chuẩn APR không ảnh hưởng đến FPT Retail và Thế Giới Di Động. 

Theo bà Điệp, doanh thu các sản phẩm Apple chính hãng của FPT Retail đến chủ yếu từ chuỗi FPT Shop. Trong khi đó, chuỗi FPT cùng tiêu chuẩn với eDiGi chỉ mang tính chất làm hình ảnh, kích thích người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, FPT Retail đang gặp khó trong việc phê duyệt địa điểm mở mới, cũng như đặt các cửa hàng F.Studio by FPT, vì Apple muốn các địa điểm của mình phải được đặt cùng các thương hiệu đẳng cấp tương đương. 

Hiện FPT Retail có hơn 500 cửa hàng FPT Shop và 13 cửa hàng F.Studio by FPT. Thời gian qua, tốc độ mở mới chuỗi F.Studio by FPT đang có những dấu hiệu chậm lại, dù trước đó FPT Retail từng công bố kế hoạch mở 100 cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple chính hãng tại Việt Nam trong 2 - 3 năm tới.

Bước đệm để mở Apple Store

Không dừng lại ở IPPG, Apple vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác mạnh để làm đối trọng với các tên tuổi còn lại. 

“Không hãng nào muốn chỉ phụ thuộc vào 2 - 3 đối tác, chiếm 80% doanh thu của hãng tại một thị trường. Điều đó sẽ gây sức ép quá lớn cho Apple, có thể về giá nhập, tỷ lệ chiết khấu, tốc độ mở điểm mới, dịch vụ…”, một chuyên gia trong ngành bán lẻ cho biết.

Cùng với việc thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam 3 năm trước như bước đi chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam, Apple liên tục tìm kiếm thêm đối tác mạnh để phân phối hàng chính hãng.

Đặc biệt, ngày 2/9 vừa qua, cửa hàng trực tuyến App Store đã tôn vinh các ứng dụng “Made in Vietnam” với nhiều hạng mục như trò chơi, giải trí, tài chính, giáo dục... cho thấy, Việt Nam dần trở thành điểm ngắm của Apple.

Khi các thị trường truyền thống châu Âu và Mỹ đã “bội thực” smartphone, châu Á sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho Apple. Trong đó, các thị trường mới nổi như Việt Nam được cho là có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các nhà sản xuất lớn trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới như Samsung, LG… đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất lâu. Trước đó, Apple cũng nhắc tới Việt Nam như một thị trường hết sức tiềm năng và trọng điểm tại châu Á. 

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có Apple Store, hệ thống Apple Premium Reseller như F.Studio by FPT hay eDiGi được cho là cửa hàng uỷ quyền ở mức độ cao nhất.

Hiện số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam chưa đến 20, trong khi ở Singapore có 527 cửa hàng và Thái Lan có gần 500 cửa hàng. 

Theo quy trình thông thường, các sản phẩm Apple được sản xuất từ nhà máy tại Trung Quốc, sau đó chuyển sang kho chứa tại Singapore rồi được các công ty Việt Nam nhập về.

Nếu Apple mở kho hàng tại Việt Nam, các đại lý có thể nhập iPhone, iPad... trực tiếp từ Apple Việt Nam mà không cần phải thông qua Apple Singapore. Đây có thể xem là một thuận lợi đối với các nhà phân phối sản phẩm Apple tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để vận hành thuận lợi tại Việt Nam, nhiều khả năng Apple sẽ mở Apple Store. Apple Store là quân bài quan trọng của Apple nhằm lôi kéo sự quan tâm của khách hàng trên thế giới. Hiện Apple đang có hơn 500 cửa hàng trên toàn cầu.

Tại châu Á, Apple Store đã hiện diện ở Nhật Bản , Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore. 

Theo kế hoạch từ nay tới năm 2023, số lượng Apple Store sẽ tăng tới hơn 600 cửa hàng trên toàn cầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lơn cho Apple trước các thương hiệu smartphone khác.

Theo giới chuyên môn, Apple Store có được thành công như hiện nay chủ yếu nhờ sở hữu 5 yếu tố tạo nên sự khác biệt, đó là tính thẩm mỹ của cửa hàng; thái độ phục vụ niềm nở của nhân viên; khâu tư vấn và đưa ra lời khuyên nhiệt tình; hỗ trợ khách hàng tốt và tạo ra được cảm hứng cho khách hàng.

Bán online

Đầu năm 2018, trang thương mại điện tử Lazada đã được Apple ủy quyền trở thành nhà phân phối trực tuyến toàn khu vực Đông Nam Á. Nhận thấy tiềm năng, sau khi được Alibaba đầu tư 4 tỷ USD, Lazada bắt đầu mở rộng kinh doanh, trong đó có mảng phân phối trực tiếp sản phẩm của Apple.

Khi mở thêm mảng kinh doanh iPhone, đại diện Lazada cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường điện thoại smartphone lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ hai về số lượng sản phẩm bán ra (vượt Thái Lan và Malaysia), chỉ đứng sau Indonesia. Doanh số bán các sản phẩm smartphone tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ các cửa hàng trực tuyến và các thương hiệu.

Theo Lazada, thị trường iPhone của Việt Nam hiện có 3 nguồn chính: xách tay; các đơn vị nhập khẩu hợp pháp và dịch vụ bảo hành do đơn vị nhập khẩu cung cấp; các cửa hàng bán lẻ được Apple ủy quyền.

Tuy nhiên, việc mua iPhone tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản với ít lựa chọn.

Lazada cho biết, sẽ mua trực tiếp và phân phối tất cả các dòng sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, MacBook, Beats, phụ kiện) từ Apple Việt Nam, đồng thời có thể cung cấp các sản phẩm chính hãng với mức giá hợp lý nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí vận hành - ưu thế của thương mại điện tử.

Việc Lazada phân phối các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, tại Việt Nam có thể khiến xu hướng bán iPhone online tại Việt Nam thịnh hành và phát triển trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra áp lực đối với các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động và FPT Shop hay eDiGi.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho rằng, với những chiếc điện thoại đắt tiền như iPhone có giá lên tới 20 đến 30 triệu đồng, việc đặt mua online là rất khó với phần lớn người dân Việt Nam.

Chưa kể, các trang thương mại điện tử vốn chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá. Những hệ thống như Thế Giới Di Động, FPT Shop, eDigi bán iPhone online tốt bởi có chuỗi cửa hàng, nên người dùng sẽ tin tưởng hơn.

Dù chọn hình thức phân phối, bán hàng như thế nào thì để gia tăng sự cạnh tranh, Apple cũng phải tìm kiếm nhiều đại lý ủy quyền để phân tán rủi ro và  kiên trì nguyên tắc: cung ứng số lượng có hạn, không cho khách hàng dễ dàng có được cảm giác thỏa mãn, ngay cả các đại lý ủy quyền.

Tin bài liên quan