Lần đầu tiên có diễn đàn sản xuất gắn với tiêu thụ tạo đầu ra cho hàng nông sản Việt

Lần đầu tiên có diễn đàn sản xuất gắn với tiêu thụ tạo đầu ra cho hàng nông sản Việt

(ĐTCK)  Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương tổ chức vào ngày 22/2 tới tại Hà Nội

Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 22/2 tới tại Hà Nội.

Diễn đàn nhằm thảo luận và đề xuất các giải pháp mở rộng thị trường cho hàng nông sản Việt Nam cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng này để nâng cao giá trị xuất khẩu và tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng nông sản lớn của thế giới.

Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Nông thôn) cho biết, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm nay với mục đích đánh giá kết quả sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Đồng thời, đây cũng sự kiện thúc đẩy giao lưu, kết nối các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng năm.

Đây là lần đầu tiên diễn đàn thúc đẩy sản xuất gắn liền với tiêu thu nông sản được tổ chức trên quy mô phối hợp các bộ liên quan để đánh giá lại ‘bức tranh’ sản xuất, tiêu thụ thị trường nông sản và cùng phối hợp tìm hướng đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài một cách hiệu quả nhất, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng trong hàm lượng xuất khẩu.

Cũng thông qua sự phối hợp liên ngành này, Diễn đàn sẽ góp phần đưa ra các đề xuất chính sách để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những vướng mắc nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi, đồng thời tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân”, ông Toản nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản, với việc tạo đầu ra ổn định cho nông sản và gắn kết chặt chẽ thu mua nguyên liệu với người nông dân, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ra các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng giải cứu nông sản, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vốn thường xẩy ra trong những năm gần đây.

Để tình trạng giải cứu nông sản không còn xuất hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo, chúng ta cần giải quyết vấn đề tư gốc là làm tốt khâu thị trường, sản xuất nông sản sạch, truy suất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi.

Bên cạnh đó, với việc hoàn thiện hạ tầng chế biến và vùng nguyên liệu việc xây dựng hạ tầng sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ hỗ trợ các địa phương sản xuất trọng điểm nông nghiệp, giúp địa phương làm tốt vai trò quy hoạch các cùng sản xuất nông sản trọng điểm”, ông Toản khẳng định.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dường như chưa thu hút được sự quan tâm của các DN do tính hấp dẫn của ngành nông nghiệp còn thấp hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên, nếu khắc phục được các điểm nghẽn và có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp thì đây sẽ lĩnh vực có sức cạnh tranh cao.

Theo đó, nhằm góp phần cùng các bộ ngành trong việc tìm đầu ra cho hàng nông sản, ông Thành cho biết, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cũng sẽ cung cấp thông tin về xây dựng thương hiệu nông sản khi nông sản Việt Nam tham gia vào các thị trường lớn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh thị trường và sự giảm sút về giá thị trường thế giới của nhiều mặt hàng cây công nghiệp, song kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018 vừa đã đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục chạm ngưỡng 41 tỷ USD,  đứng thứ 15 thế giới và đã có mặt tại thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được chú trọng trong năm 2019.

Tin bài liên quan