Tại các nước Mỹ, Nhật hay châu Âu thì được biết, một số loại gạo thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam vẫn có mặt ở siêu thị, nhưng lại mang tên và nhãn hiệu của nước ngoài

Tại các nước Mỹ, Nhật hay châu Âu thì được biết, một số loại gạo thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam vẫn có mặt ở siêu thị, nhưng lại mang tên và nhãn hiệu của nước ngoài

Làm thương hiệu gạo Việt Nam: muốn nhưng quá khó

Đó là ý kiến tựu chung của các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, vừa diễn ra ngày 20/10 tại UBND tỉnh Kiên Giang do Bộ NN&PTNT cùng Bộ KH&CN tổ chức.

Trách nhiệm doanh nghiệp

Theo Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này, đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2030 đạt 50% tổng sản lượng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam và trong đó 30% là nhóm gạo thơm và đặc sản. Để thực hiện Đề án này, Bộ Bộ NN&PTNT sẽ thành lập 5 dự án trọng điểm về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khoa học công nghệ, nông thôn, kiểm soát chất lượng...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&TPNT Trần Thanh Nam cho biết, từ thiếu lương thực, sau 30 năm đổi mới Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6- 8 triệu tấn gạo, mang về nguồn thu ngoại tệ từ 3 - 3,7 tỷ USD, đời sống và bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện. Trong đó năng suất bình quân từ 7-8 tấn lúa/ha, với đa số xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình. Vì thế đến nay chỉ xuất sang các thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, châu Phi....

"Thế nhưng, tôi đi qua các nước Mỹ, Nhật hay châu Âu thì được biết, một số loại gạo thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam vẫn có mặt ở siêu thị, nhưng lại mang tên và nhãn hiệu của nước ngoài. Chứng tỏ gạo Việt Nam có khả năng thâm nhâp vào phân khúc thị trường chất lượng cao này. Để làm được việc này, vai trò chính là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế chính sách", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề.

Nhiều chuyên gia tham dự Hội nghị cho rằng, trước khi nói đến thương hiệu hạt gạo quốc gia, những doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu gạo chất lượng cao của mình trên thị trường quốc tế. Thực tế có một số giống tạo ra loại gạo chất lượng cao của Việt Nam và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp, nhưng với sản lượng và chất lượng không ổn định, nên không vào được các thị trường Mỹ, Nhật, EU là vậy.

Theo ông Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long) cho biết, để có được số lượng gạo và chất lượng cao ổn định, đòi hỏi doanh nghiệp phải có mô hình "chuỗi khép kín", từ các khâu canh tác, dịch vụ, thu mua, bảo quản, chế biến... cho đến xuất khẩu. Thế nhưng, trong hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đa số là mô hình chuỗi liên kết và mô hình chuỗi tự do. Tức là các doanh nghiệp này chỉ liên kết thu mua, hoặc tham gia một trong vài khâu của chuỗi giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Hai mô hình này khó tạo ra sản lượng lớn với chất lượng cao ổn định và bền vững.

Tổ chức lại sản xuất

Cùng quan điểm về vai trò của doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, quá trình xây dựng thương hiệu gạo phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mục đích cuối cùng là thương mại, sản xuất lúa hàng hoá chứ không phải để tự túc lương thực. Do đó vai trò doanh nghiệp xuất khẩu là nồng cốt để tạo ra chuỗi giá trị hạt gạo.

“Trong chuỗi giá trị này, phải chú ý đến một số vấn đề gồm: phải cơ giới hoá; có giống tốt; thực hành canh tác theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoàn thiện khâu bảo quản sau thu hoạch. Hướng đi sắp tới phải đi như vậy mới mong có được thương hiệu gạo, nhưng điều này dĩ nhiên không phải dễ dàng gì”, ông Huệ khẳng định.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý doanh nghiệp, nếu quá trình chọn lựa chủng loại giống để xây dựng thương hiệu phải chú ý đến năng lực cung ứng. Chẳng hạn, gạo nàng thơm Chợ Đào (loại gạo đặc sản của tỉnh Long An) tuy ngon nhưng nếu xây dựng xong thương hiệu, liệu có đủ để cung ứng cho thị trường hay không khi sản lượng hiện nay rất ít.

Từ những vấn đề trên, nhiều người trong cuộc có cùng quan điểm là phải tổ chức lại sản xuất. Trong đó doanh nghiệp phải tiên phong tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín. Tham gia gia với nông dân từ canh tác, sản xuất cho đến tiêu thụ và xuất khẩu. Sau đó nhân rộng mô hình hiệu quả và tạo ra liên kết chuyển giao kỹ thuật cho cả vùng để tạo ra qui mô lớn và bền vững.

Kể từ năm 1989 khi doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đến nay, Chính phủ mới có Đề án làm thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên. Chính vì vậy nhiều người tại Hội nghị cho rằng, đề án rất cần thiết và cấp bách. Bởi nó liên quan đến sinh kế hàng triệu nông dân. Tuy nhiên, từ trước tới nay nhiều doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam đóng vai trung gian xuất khẩu, hưỡng chênh lệch giá, nên khó để xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam.

Tin bài liên quan