Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

Lạc nhịp công nghệ, doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ bị đào thải

(ĐTCK) Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. 

Đây là những cảnh báo được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 26/6.

Dẫn kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây, PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho hay, 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ.

Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Theo ông Đình, điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự bắt nhịp được với xu thế mới trên thế giới.

Những số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JICA về thực trạng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gần đây cũng cho thấy một thực trạng tương tự.

Theo đó, trong 10.994 doanh nghiệp sản xuất trong cuộc khảo sát, chỉ có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, chiếm cỏn vẹn 8%, số doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, trung bình tiên tiến là 5.501 doanh nghiệp, chiếm 50%. Trong khi đó, còn tới 4.614 doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, chiếm 42%.

Lạc nhịp công nghệ, doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ bị đào thải  ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo.

Thực tế này cho thấy bức tranh đáng lo ngại đặt ra về trình độ công nghệ và thích ứng với xu hướng cách mạnh công nghệ 4.0 của các doanh nghiệp Việt nam.

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới thì sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường, do đó vấn đề nâng cao trình độ công nghệ để tăng năng suất lao động đang là một thách thức lớn đặt ra đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy thích ứng xu hướng công nghệ, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách làm việc của con người.

Một ví dụ cụ thể được ông Hiếu dẫn chứng là mới đây đây 800 doanh nhân họp ở Davos (Thụy Sĩ), đã dự báo 21 sản phẩm sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Các sản phẩm này bao gồm: 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 80% người dân hiện diện số trên internet; chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ, 10% mắt kính nối với Internet... Điều này cho thấy xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi hết sức nhanh chóng.

“Chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên ở đó có sự thay đổi về cách sống và làm việc, cách thức tương tác. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nghiên cứu và tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 một cách thực tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng 4.0 thành công vào sản xuất, kinh doanh. Không nên coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một phát minh về khoa học mà hãy tư duy đây là sự thay đổi căn bản cách làm việc, cách thức tương tác để có giải pháp thích ứng phù hợp”, ông Hiếu khuyến nghị.

Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng bên cạnh những thách thức đặt ra thì cũng có rất nhiều cơ hội kinh doanh mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra, trong đó có rất nhiều công nghệ có thể giúp doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn vận mệnh và phương thức kinh doanh.

“Vấn đề là các doanh nghiệp cần có tư duy chuyển đổi thích ứng với sự chuyển đổi sang nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghệ. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ thì doanh nghiệp vẫn phải là trung tâm chủ động đổi mới, để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Xuyên nói.

Tin bài liên quan