Kinh tế tư nhân mỏi mòn chờ cất cánh

Kinh tế tư nhân mỏi mòn chờ cất cánh

(ĐTCK) Những vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp nêu lên tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra mới đây cho thấy, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, cấp thiết nhất là đẩy mạnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân để khu vực này thoát khỏi tình trạng mỏi mòn chờ cất cánh. 

“Đặc biệt lưu ý các nhóm giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân”

 Bà Hoàng Thị Tư, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 10) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được bổ sung, phát triển với nhiều điểm mới thể hiện rõ trong quan điểm, định hướng chỉ đạo, cũng như các nhiệm vụ và giải pháp lớn. Trong đó, đặc biệt lưu ý các nhóm giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.

Đồng thời hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp…

“Chính sách mới chỉ tập trung cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Những rào cản cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là gánh nặng pháp luật, chi phí tuân thủ, rủi ro pháp lý, an toàn và bảo vệ quyền tài sản, chính sách cạnh tranh kém và quản trị yếu.

Chúng ta đã có chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên, những chính sách này mới chỉ tập trung cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, trong khi nhiều rủi ro khác ít được nhắc đến.

Không chỉ có vậy, sự phức tạp của thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường, chi phí không chính thức… vẫn là những khó khăn thường trực mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt.

“Cần giải quyết nhanh các nút thắt tài chính”

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Tài chính - ngân hàng 

Thiếu vốn là một trong những vấn đề lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi. Do quy mô vốn nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân trông cậy rất nhiều vào việc vay ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn kinh doanh. Tỷ trọng tín dụng cho kinh tế tư nhân hiện nay trong tổng tín dụng ngân hàng còn thấp, cách xa so với nhu cầu của khu vực này, cũng như không tương xứng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng các doanh nghiệp tư nhân phải dựa vào vốn từ bên trong, mà ít có khả năng tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài, mà cụ thể là với nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại chính là niềm tin. Để giải bài toán tăng quy mô doanh nghiệp thì phát triển mạnh hình thức công ty cổ phần là giải pháp khả dĩ, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy công khai tài chính.

Bên cạnh đó, mức thuế hiện nay còn cao, chính sách thuế còn mang nặng tính tận thu khiến hệ thống thuế trở nên phức tạp, với những ưu đãi tràn lan không công bằng. Vì vậy cần triệt để loại bỏ tất cả các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi theo tiêu chí thành phần kinh tế, theo ngành nghề hay theo điều kiện địa lý bởi rất dễ nảy sinh những tiêu cực và khó quản lý, trong khi các điều kiện con người, tổ chức và cơ sở vật chất quản lý còn nhiều hạn chế.

Do đó, cần triển khai những cơ chế và chính sách có thể giải quyết ngay những nút thắt tài chính này để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho khu vực quan trọng này.

“Lưu ý vai trò đầu tàu của các tập đoàn kinh tế tư nhân”

 TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế

Trước đây, doanh nghiệp tư nhân từ chỗ chưa có vị trí, tên gọi được định danh một cách rụt rè… thì đến nay, có thể nói đã được “danh chính ngôn thuận”. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất đối với khối này luôn là làm thế nào để khu vực này thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn lên?

Hiện nay, vấn đề quyền tài sản đã được nhắc đến nhiều. Quyền tài sản lớn hơn cả quyền sở hữu. Theo nghĩa rộng, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để về tài sản gắn liền với đất đai, cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, môi trường kinh doanh. Với nhiều nỗ lực, chúng ta cơ bản mới xử lý một vấn đề đó là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn còn ở mức thấp, nên doanh nghiệp Việt Nam khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực.

Chúng ta có nhiều doanh nghiệp “to”, nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có, mà mới chỉ có một số doanh nghiệp còn đang “tập tành làm người lớn” như FPT, Viettel, Vinamilk... Doanh nghiệp “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối.

Chủ trương và chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực cho nền kinh tế đã được thống nhất tại Nghị quyết Trung ương 5, cũng như các văn bản thể chế hoá. Vấn đề hiện nay là hiện thực hóa chủ trương này thành các chính sách và triển khai cụ thể thành các giải pháp khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó cần lưu ý vai trò đầu tàu của các tập đoàn kinh tế tư nhân, các chính sách trọng tâm để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

“Rà soát lại các quy định hiện hành nhằm giải quyết triệt để các rủi ro chính sách”

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc CTCP Damsan

5 năm trở lại đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã và đang sát sao chỉ đạo cải cách hành chính, tháo rào cản cho cả doanh nghiệp và người dân. Tại nhiều địa phương, mà cụ thể là Thái Bình, chính quyền tỉnh và các ban ngành đã vào cuộc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại mâu thuẫn khi Thủ tướng và các cấp ngành, địa phương đã hành động, nhưng một số bộ, ngành vẫn đề xuất thêm giấy phép.

Do đó, chúng tôi mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành rà soát lại các quy định hiện hành nhằm giải quyết triệt để các rủi ro chính sách, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp. Đất nước đã và đang trên con đường phát triển và hội nhập, nên việc cởi trói, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp càng nhanh thì doanh nghiệp càng sớm có cơ hội phát triển.

“Cụ thể hóa các giải pháp trên thực tiễn”

Ông Lê Hoàng Hoán, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Việt

Đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới, song những bước tiến cải cách của bộ máy cơ chế, cũng như hệ thống thể chế nhà nước dường như chỉ mới thay đổi. Cho dù chủ trương của Nhà nước là các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ các nút thắt để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chủ đạo, gia nhập thị trường ngày càng nhiều, song khối này vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Để hiện thực hóa được chủ trương này, cần cụ thể hóa các giải pháp trên thực tiễn, đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, tinh giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, trong đó có chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Phải làm sao để các doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, cũng như làm sao để các thủ tục pháp lý phải thay đổi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Triệt để tháo gỡ vấn nạn thanh tra, kiểm tra…”

Ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc

Nhiều doanh nghiệp rất quan ngại về chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, các loại phí không chính thức trong việc thực hiện các quy trình thủ tục và tiếp nhận kiểm tra hành chính. Doanh nghiệp quy mô càng lớn thì tần suất “được” thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đặc biệt, mối tương quan mật thiết với hoạt động thanh tra, kiểm tra và nhất là kiểm tra chuyên ngành đang là vấn nạn lớn đối với doanh nghiệp hiện nay.

Các doanh nghiệp thường xuyên than phiền về tần suất thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc kiểm tra, thanh tra chủ yếu là tìm lỗi để phạt, thay vì hướng dẫn giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ. Đơn cử, chỉ riêng vấn đề về môi trường, tính trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải tiếp đến 5 đoàn kiểm tra. Thậm chí, có doanh nghiệp phải tiếp tới 26 đoàn thanh kiểm tra trong 1 năm, tức là trung bình hơn 2 đoàn/tháng, khiến doanh nghiệp không còn thời gian để tập trung sản xuất, kinh doanh.

Cùng với vấn nạn “bội thực” thanh tra, kiểm tra, các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra có xu hướng tăng mạnh, thủ tục “một cửa” tuy đã triển khai song vẫn cần “nhiều chìa khóa”, khiến doanh nghiệp phải khó khăn, tốn kém thời gian, công sức và chi phí. Đây là những nút thắt và rào cản cần được các cấp bộ, ngành triệt để tháo gỡ theo đúng chủ trương của Nhà nước thì mới có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội và không gian, dư địa để phát triển.

Tin bài liên quan