Các chuyên gia tại Hội nghị Vietnam Access Day đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế 2015

Các chuyên gia tại Hội nghị Vietnam Access Day đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế 2015

Kinh tế 2015, nhiều dấu hiệu sáng

(ĐTCK) Cuối tuần qua (27/3), Hội nghị đầu tư thường niên Vietnam Access Day 2015, do CTCK Bản Việt (VCSC) tổ chức, tiếp diễn với các nội dung: tổng quan kinh tế vĩ mô, dự báo thị trường bất động sản, thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực ngân hàng…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho biết, quý I/2015, dù có kỳ nghỉ Tết, nhưng tăng trưởng GDP Việt Nam ước đạt 6,03%. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Kinh tế năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014, nếu lạm phát ở mức 3,5% thì GDP tăng trưởng 6,4 - 6,5%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính sẽ có những chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn lạm phát thấp.

So với các nước khác, nền kinh tế Việt Nam khá linh hoạt trong việc đối đầu với những rủi ro bên ngoài, chẳng hạn biến động kinh tế thế giới, biến động giá năng lượng, sự dịch chuyển dòng vốn… Một yếu tố tích cực cho nền kinh tế chính là những tín hiệu tốt từ các hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định TPP… Ngoài ra, hoạt động cổ phần hóa DNNN đang rất tích cực. Năm nay, Chính phủ quyết tâm thúc đẩy cổ phần hóa nhằm cải thiện hoạt động yếu kém tại các DNNN.

Về vấn đề tỷ giá, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác đã tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Năm 2015, mục tiêu phá giá tiền đồng không quá 2%, nhưng trong tháng 1/2015, NHNN đã điều chỉnh 1%. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, với lượng dự trữ ngoại hối ở mức cao thì NHNN khá kiên định với mục tiêu biến động tỷ giá (nếu có) là 2%.

Các chuyên gia có chung nhận định, những tháng đầu năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng giảm do ảnh hưởng giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm, nhưng sản xuất trong nước phục hồi tốt. Niềm tin tiêu dùng và kinh doanh được duy trì. Kinh tế đang có những chuyển biến tích cực, nhất là hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi đà tăng trưởng. Triển vọng năm 2015 có nhiều dấu hiệu sáng sủa so với nhiều năm trước. Mặc dù vậy, ông Thành cảnh báo, nợ công tăng sẽ là mối nguy cho chính sách tài khóa bền vững.

“Giải pháp cần tập trung để giảm nợ công là đầu tư ngoài nhà nước thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP). Về trung hạn, mô hình phát triển chính của Việt Nam vẫn dựa vào đầu tư, dựa vào năng suất lao động chỉ là nhỏ”, ông Thành nói và cho rằng, một vấn đề khác cần chú ý là phải đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu được công bố là 3,2%, nhưng con số thực có thể cao hơn nhiều.

Cũng nói về nợ xấu, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận xét, trong hai năm trở lại đây có sự chuyển biến trong thái độ của các ngân hàng về vấn đề xử lý nợ xấu, theo hướng đối mặt để xử lý, thay vì che đậy như trước đây. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu không thể một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có thời gian. Về mặt luật pháp, kỳ vọng Luật Phá sản sẽ được cải cách theo hướng quy định rõ hơn về thời điểm, tiến trình tuyên bố phá sản của DN. Có như vậy, ngân hàng mới có thể tiến hành phát mãi tài sản, thu hồi nợ.

Về xu hướng hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2015, ông Hải nhận định, xu hướng chung là đẩy mạnh bán lẻ và cho vay các công ty vừa và nhỏ, riêng ngân hàng nội địa sẽ đẩy mạnh sang đối tượng là DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ông Hải, một ngân hàng không thể mạnh trên mọi mặt, mà cần tập trung vào mảng lợi thế của mình.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Marc Townsend, Giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam khá tích cực. Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số DN bất động sản mới được thành lập tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2014, số lượng căn hộ thương mại chào bán là 17.000 căn, lớn nhất kể từ năm 2010. Tính riêng TP. HCM, có 37 dự án với lượng căn hộ chào bán hơn 14.000 căn. Tuy nhiên, quý I/2015 đã có 15 dự án và 5.441 căn hộ được chào bán.

Theo đó, ông Marc Townsend nhận định, bất động sản Việt Nam đang phục hồi tốt, tập trung vào phân khúc trung bình và thấp. Căn hộ siêu cao cấp chỉ chiếm khoảng 1%, cao cấp chiếm 33%, trung cấp chiếm 27% và trung bình chiếm khoảng 39% trong tổng số căn hộ chào bán trong năm 2015. Ngoài ra, phân khúc được dự đoán sẽ phát triển là tòa nhà văn phòng mới, trung tâm thương mại bán lẻ ở ngoại ô, khách sạn và resort gần biển, đất cho khu công nghiệp, đất xây nhà máy, kho.

Ông Marc Townsend cho rằng, hành lang pháp lý được cải thiện tạo ra thị trường công bằng và minh bạch hơn cho nhà ở. Đặc biệt, người nước ngoài được phép mua, thuê, chuyển nhượng bất động sản Việt Nam là chính sách “thoáng”, góp phần giúp thị trường bất động sản sôi động hơn.         

Tin bài liên quan