So với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 5%, còn khá nhiều dư địa cho triển khai các giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm nay

So với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 5%, còn khá nhiều dư địa cho triển khai các giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm nay

Kích tăng trưởng GDP bằng giảm chi phí cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015 mới đây, Chính phủ phát đi thông điệp mới về định hướng điều hành chính sách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát và giá dầu thấp.

Cần giảm thêm chi phí đầu vào

“Lạm phát đừng để thấp quá…”. Đó là một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa kết thúc. Từ thông điệp này, Thủ tướng đưa ra định hướng điều hành chính sách thời gian tới mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai là chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.

Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2015 giảm 0,07% so với tháng trước (là tháng 8 duy nhất trong 10 năm gần đây có CPI giảm), CPI bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2014. So với mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra cho năm nay là khoảng 5%, thì còn khá nhiều dư địa cho triển khai các giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm nay, cũng như năm 2016. Tuy nhiên, hiện thực hóa định hướng này đang đối mặt với không ít thách thức, bởi gần đây nền kinh tế đối mặt với không ít tác động bất lợi do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu…

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, giới chuyên gia cho rằng, muốn kích thích tăng trưởng kinh tế cần tận dụng tối đa mặt tác động tích cực của giá dầu thế giới giảm sâu để giảm thêm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Cho rằng tính chất độc quyền trên thị trường xăng dầu đang khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa giảm tương xứng với mặt bằng giá thế giới, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Nhà nước cần điều hành giá xăng dầu hợp lý hơn theo hướng tránh để lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bởi như vậy không mang lại nhiều lợi ích bằng việc giảm sâu hơn nữa giá bán lẻ xăng dầu, để vừa trực tiếp và gián tiếp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

“Giảm chi phí trực tiếp thì quá rõ ràng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh việc giảm thêm giá bán lẻ xăng dầu sẽ tạo hiệu ứng giảm các loại chi phí nguyên, vật liệu sản xuất cho doanh nghiệp. Điều này cộng với lạm phát 8 tháng đầu năm nay ở mức thấp, cần cân nhắc đến khả năng giảm thêm lãi suất để góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó có đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng GDP thời gian tới…”, ông Thiên đề xuất.

Liên quan đến định hướng điều hành lãi suất thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô..., qua đó hỗ trợ hợp lý cho tăng trưởng. 

Khả năng “hấp thụ” chính sách đến đâu?

Cách nào để sớm giảm thêm các loại chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh đã khó, điều khó hơn là khả năng “hấp thụ” các chính sách này của doanh nghiệp đến đâu, để từ đó chuyển hóa thành giá trị tăng trưởng trên thực tế?

Đáng mừng là gần đây, “sức khỏe” của doanh nghiệp có những tín hiệu khá tích cực tuy vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, nên một khi các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thêm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì có cơ sở để tin rằng hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Theo cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm nay, cả nước có 61.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 376,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 15.243 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 481,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó đưa tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng qua là 857,9 nghìn tỷ đồng...

Trong bối cảnh này, nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thêm chi phí đầu vào sớm được triển khai, GDP vượt 6,2% trong năm nay và năm tới khoảng 6,7% như mục tiêu Chính phủ đang theo đuổi là khả thi.           

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tuy kinh tế vĩ mô đang đối mặt với không ít thách thức, nhưng nếu không có yếu tố đột biến, thì 13/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 sẽ đạt và vượt. Từ xu hướng tích cực này, sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ý kiến định hướng đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2016: tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, lạm phát khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...

Tin bài liên quan