Ảnh Internet

Ảnh Internet

Khủng hoảng giá dầu: Nhiều hệ lụy đáng lo ngại

(ĐTCK) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề thì khủng hoảng giá dầu được coi là tác động kép, khiến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trở nên đáng lo ngại hơn.

Ðại dịch Covid-19 lan rộng đã tác động nặng nề lên kinh tế thế giới, trong khi nhiều nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Trong bối cảnh đó, diễn biến lao dốc của giá dầu, đặc biệt là phiên giảm kỷ lục xuống mức âm của giá dầu WTI New York ngày 21/4 là tác động kép, khiến tình hình thế giới trở nên đáng lo ngại hơn, khi Nga và Ả rập Xê út không thống nhất được việc cắt giảm sản lượng, cung dầu tăng mạnh trong khi nhu cầu dầu thế giới giảm hơn 30% vì nhiều nước triển khai biện pháp giãn cách xã hội.

Hệ lụy của đại dịch Covid-19 là rất lớn đối với thế giới. Ðối với Việt Nam, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hay giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng diễn biến lao dốc của giá dầu có thể khiến sự hồi phục kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Ngành dầu khí dự kiến thiệt hại nặng nề, ước tính 2,5 tỷ USD trong năm 2020. Ngân sách nhà nước đối mặt với thách thức lớn khi nhiều ngành nghề như du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dệt may, thủy sản đều bị ảnh hưởng.

Khủng hoảng dầu mỏ sẽ khiến các nguồn thu ngân sách nhà nước khó đạt được mục tiêu đề ra, dù kết quả thực hiện quý I/2020 khả quan.

Nguồn cơn của khủng hoảng giá dầu

Trong nhiều năm trở lại đây, thế giới chưa từng chứng kiến những biến cố như những gì các nước đang đối mặt trong giai đoạn đầu năm 2020 - khủng hoảng giá dầu đi kèm với đại dịch Covid-19 lan rộng. Ðây được coi là cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh 1991.

Giá dầu giảm về dưới mốc 20 USD/thùng hiện nay nếu kéo dài sẽ là một cơn địa chấn tác động đến kinh tế thế giới, hoạt động kinh doanh, khai thác dầu thô, có thể gây ra một loạt vụ đổ vỡ, phá sản của các doanh nghiệp dầu khí.

Tình trạng dư thừa cung dầu cùng với việc sụt giảm tiêu thụ năng lượng trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến ngành dầu khí thế giới đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng dầu mỏ chưa từng có trong lịch sử.

Kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam đang hứng chịu cùng lúc 2 thách thức: khủng hoảng giá dầu và đại dịch Covid-19. Không chỉ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, những biến cố do cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới gây ra đối với ngành dầu khí Việt Nam dự kiến là rất lớn.

Tập đoàn Dầu khí sẽ chịu những thiệt hại nặng nề, qua đó nguồn thu ngân sách, đặc biệt thu từ lĩnh vực dầu mỏ sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu thu ngân sách trong năm 2020.

Dù vẫn tăng trưởng dương, nhưng tổng quan nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,82% trong quý I/2020, thấp nhất trong 10 năm qua. Sản xuất trên hầu hết các ngành, lĩnh vực đều suy giảm: nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,08%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% và dịch vụ tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ tăng 7,7%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 9,6%; dịch vụ lữ hành giảm gần 28%.

Kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 0,5%, trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 8,7% và của FDI giảm gần 3%; kim ngạch nhập khẩu giảm 1,9%. Nhập khẩu khu vực trong nước giảm 3,4% và FDI giảm 0,8%.

Lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã giảm mạnh trong tháng 2 và 3: CPI tháng 3/2020 tăng 4,78%, CPI lõi tăng 2,95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác động của dịch Covid-19 trong quý II đối với nền kinh tế có thể còn nghiêm trọng hơn khi hội đủ 3 rủi ro: dịch bệnh Covid-19, khô hạn mặn tại Ðồng bằng sông Cửu Long và giá dầu giảm. Ða số các dự báo cho rằng, GDP quý II của Việt Nam chỉ tăng 1 - 2%,  thậm chí là âm. Trong khó khăn chung này, tác động của khủng khoảng giá dầu trở nên mạnh hơn đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngành dầu khí đối mặt với thử thách lớn, thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng đáng kể

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Công thương, kết quả thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, với khủng hoảng giá dầu cũng như đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường thì khả năng tình hình thu sẽ kém quả quan trong giai đoạn còn lại của năm.

Khủng hoảng giá dầu: Nhiều hệ lụy đáng lo ngại ảnh 1

Tình hình thu Ngân sách nhà nước hết quý I/2020.

Trong 3 nguồn thu chính của ngân sách nhà nước, có thể kể đến đó là thu trong nước (thu từ nội địa), thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tính hết quý I/2020, chỉ có thu từ xuất nhập khẩu là giảm so với cùng kỳ, trong khi các nguồn thu khác vẫn tốt.

Khủng hoảng giá dầu: Nhiều hệ lụy đáng lo ngại ảnh 2

Tỷ trọng thu nội địa quý I/2020.

Thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 324.000 tỷ đồng, tương đương 25% dự toán năm, chiếm 83% tổng thu quý I/2020.

Thu nội địa vẫn tăng tốt trong quý I nhờ một số khoản thu phát sinh từ quý IV/2019 (thuế thu nhập doanh nghiệp, kết dư chi phí dầu khí, thu hồi nợ đọng...) được quyết toán và nộp vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, những lợi thế này sẽ không còn trong những tháng tới khi thu nội địa có thể giảm 20 - 30%.

Bên cạnh đó, những nguồn thu nội địa chủ lực là thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI, thu thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ nhà, đất chắc chắn sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như chính sách miễn, giãn thuế hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thu từ dầu thô quý I vẫn tích cực do có độ trễ trong thanh toán. Giá dầu thanh toán bình quân trong quý I vẫn ở mức cao 65 USD/thùng, vì vậy thu từ dầu thô vẫn đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới từ đầu tháng 3 đến nay đã giảm gần 50% so với đầu năm, vì vậy thu từ dầu thô trong các tháng tới chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù đạt 51.400 tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán năm, nhưng giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, đặc biệt là các mặt hàng đóng góp nhiều vào thu ngân sách là nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, sắt thép, xăng, dầu, máy móc thiết bị.

Những con số trên cho thấy, kết quả thu ngân sách quý I vẫn khá tích cực, nhưng 3 quý còn lại sẽ là thử thách rất lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo số liệu ước tính, ngành dầu khí có thể bị ảnh hưởng từ 2,5 - 3 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19 và khủng hoảng giá dầu.

Ngành dầu khí vẫn là ngành không chỉ chiếm tỷ trọng lớn, 20 - 25% GDP, mà còn có đóng góp lớn cho ngân sách.

Năm 2017, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thu từ dầu thô đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 29,5% (11.283 tỷ đồng) so với dự toán quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Nộp ngân sách nhà nước toàn ngành năm 2018 đạt 121.300 tỷ đồng, vượt 47.500 tỷ đồng, tương đương vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2017, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách năm 2018. Năm 2019, toàn ngành nộp ngân sách nhà nước 108.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch.

3 năm gần nhất, nguồn thu ngân sách là khả quan, nhưng năm 2020 sẽ là câu chuyện khác. Không chỉ ngành dầu khí đang gặp những biến cố lớn, giá dầu giảm phá đáy thấp nhất về các ngưỡng lịch sử, mà còn nhiều ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước có thể giảm từ 15 - 20% so với dự toán.

Bất chấp việc các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác (OPEC+) đã thống nhất giảm sản lượng, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19, OPEC và OPEC+ cũng đã thỏa thuận đạt được việc cắt giảm 9,7 triệu thùng, giá dầu vẫn sụt giảm mạnh.

Dầu WTI chỉ còn khoảng 11 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm về gần ngưỡng 17 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng gần 2 thập kỷ.

Ngoài sự kiện 21/4, nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thế thảm là hợp đồng giao tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4, các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo khiến giá dầu WTI New York về mức âm.

Tâm lý bi quan về nền kinh tế tác động bởi đại dịch Covid-19 và tình trạng dư cung tại các nước dầu mỏ lớn cũng là yếu tố đẩy giá dầu giảm sâu.

Thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa. Các hoạt động kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh và kỹ thuật công nghệ bị gián đoạn, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh.

Giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thượng nguồn (khảo sát, thăm dò) đến các hoạt động hạ nguồn, dịch vụ, kỹ thuật dầu khí.

Hệ lụy của tình trạng này không chỉ làm khó các doanh nghiệp, mà còn làm khó cho nguồn thu ngân sách quốc gia.

Tin bài liên quan