Ảnh Internet

Ảnh Internet

Không được đóng cửa siêu thị trước 22h: Lộ diện nguy cơ giấy phép con

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công thương đang soạn thảo có một số nội dung bị cho là can thiệp quá sâu vào thị trường và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ xuất hiện trở lại của nhiều loại giấy phép con.

Tại công văn đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị định gửi tới Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công thương đang nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý, song một số nội dung đưa ra trong dự thảo lại đi ngược lại tinh thần này khi có xu hướng thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới, can thiệp và ảnh hưởng quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

VCCI chỉ rõ, trong chính sách quy định về siêu thị và trung tâm thương mại, các giải pháp thực hiện được lựa chọn trong dự thảo Nghị định gồm “tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; xây dựng, phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn; vệ sinh môi trường…” có nhiều bất cập bởi nội dung của giải pháp này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư, do đó có dấu hiệu trái với Luật Đầu tư.

“Việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có nguy cơ tạo giấy phép con”, VCCI nhấn mạnh.

VCCI cảnh báo, những quy định tương tự không rõ mục tiêu quản lý nhà nước có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thậm chí tạo rào cản và có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình là quy định về điểm quản lý kinh doanh tại chợ yêu cầu cần có sự phê duyệt phương án kinh doanh của UBND.

“Đây là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này”, đại diện VCCI khẳng định.

VCCI cũng cho rằng, quy định về tiêu chuẩn siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó có một số giới hạn tối thiểu về diện tích, các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn… đều là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện trở lại của các hình thức mang nặng hơi hướng “xin - cho”, là cơ hội cho việc lạm dụng biến tướng giấy phép con.

Đặc biệt, theo phân tích của VCCI, quy định “thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối” là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

“Cần chú ý là các siêu thị, trung tâm thương mại không phải chỉ bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (ví dụ, nhiều siêu thị chuyên ngành điện máy), không rõ dựa vào căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm?”, đại diện VCCI đặt câu hỏi.

Đồng tình với luận điểm này, Hiệp hội Các nhà bán lẻ cho rằng, quy định về thời gian mở cửa của các trung tâm thương mại như dự thảo là không phù hợp với thực tế và đi ngược thông lệ quốc tế (hạn chế thời gian mở cửa các định dạng bán lẻ lớn để hỗ trợ cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống có điều kiện phát triển).

“Đây là vấn đề của thị trường, do nhu cầu của thị trường quyết định, chứ không thể đặt ra quy định một cách cứng nhắc, can thiệp sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp và làm méo mó thị trường”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ nói.

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ cũng bày tỏ lo ngại về dự thảo quy định đơn vị kinh doanh phải lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép trên là gì?”, bà Loan đặt câu hỏi và cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ điểm này, bởi có khả năng tạo ra một loạt giấy phép con ràng buộc và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số quy định khác, theo VCCI, cần phải xem xét lại vì mang nặng hơi hướng rào cản, hạn chế và phân biệt đối xử, có nguy cơ trái với Luật Đầu tư, đó là quy định yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam…

“Quy định này có lẽ là nhằm mục tiêu bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc gia, thông qua việc khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự kiến này dường như chưa tính tới thực tế là hiện đã có Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Theo ông Đức, nếu muốn nhân cơ hội này để thiết lập chính sách chung cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam thì cần có nghiên cứu thấu đáo về thực trạng của hệ thống, nhận diện được vấn đề của mỗi hình thức phân phối, dự báo được triển vọng của toàn mô hình phân phối trong tương lai, xác định được mối quan hệ giữa các hình thức phân phối trong mô hình đó, từ đó đưa ra các định hướng, chính sách phù hợp, thống nhất, hiệu quả.

Tin bài liên quan