Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

(ĐTCK) Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 17/11, nợ công, cổ phần hóa, thoái vốn và bong bóng bất động sản là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.

Cổ phần hóa không thể nóng vội

Về cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã cơ bản đồng bộ hệ thống văn bản liên quan. Các vướng mắc để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa đã cơ bản được tháo gỡ về mặt chính sách.

Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, có 408/538 DN đã cổ phần hóa. Việc thoái vốn được tiến hành ở rất nhiều DN nhưng quy mô thấp. Giá trị phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp mới bán được 2,1% trong năm 2015, tính từ năm 2010 đến nay mới bán được 5%.

“Tuy sốt ruột nhưng việc cổ phần hóa không thể nóng vội được”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho biết: “Trong điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, bán cổ phần không cẩn thận dễ gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc đẩy tiến độ là cần thiết nhưng phải cẩn trọng, từng bước”. 

Nợ công đang tăng nhanh

Giải trình về nợ công trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết giai đoạn 2011 – 2013,  các khoản vay đạt 64.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 10,5%/năm, lãi suất cao nhất vào khoảng 13,2% và thấp nhất là 8,4%. Các khoản nợ công này cần phải nhanh chóng tái cơ cấu lại.

Đối chiếu 6 chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công, có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu, 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi khi vượt mục tiêu đặt ra là 5%. Một điểm sáng là nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, vay trong nước từ 39% trong tổng số nợ công năm 2011 tăng lên 57,1% trong năm 2015, vay nước ngoài giảm xuống.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian tới phải tiếp tục quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Xác định nợ công chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu.

Đồng thời, từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước, đẩy mạnh triển khai nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh, theo hướng siết chặt bảo lãnh, không mở thêm và chọn lọc mục tiêu để ưu tiên.

Hôm nay (18/11), Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn trong buổi sáng. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có 75 phút để trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.  

Tin bài liên quan