Tham gia hội nghị có gần 90 doanh nghiệp, trong đó có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sản xuất, 14 doanh nghiệp phân phối và 10 doanh nghiệp kết nối.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, kết nối thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Nếu biết kết hợp lợi thế thương mại truyền thống với thương mại điện tử, tiếp cận kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử có uy tín thì cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm của mình với thế giới là rất lớn.
Chia sẻ với các doanh nghiệp tham gia hội nghị, ông Võ Văn Khanh, đại diện Vecom cho rằng, hiện một số hãng thương mại điện tử lớn trên thế giới đã bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba.
Sự kiện này là cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Phú Yên có thể giới thiệu sản phẩm, nhiều ngành hàng khác nhau. Đồng thời, tăng nhận diện thương hiệu, kết nối với khách hàng trên toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng chủ yếu các kênh bán hàng đại lý truyền thống, anh Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc Gia cho biết, việc kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn. Startup trong lĩnh vực phân bón hữu cơ bắt đầu chuyển hướng xây dựng hệ thống marketing và bán hàng online.
"Chúng tôi là doanh nghiệp mới đặt chân sang mảng thương mại điện tử nên gặp nhiều khó khăn, không rành cách thức tiếp thị, đẩy hàng, bán hàng trên thị trường này", anh Vũ Việt Thắng nói.
Những khó khăn mà Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc Gia gặp phải cũng là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp nêu ra tại sự kiện "Kết nối thị trường và giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp Phú Yên" vừa tổ chức tại Phú Yên.
Đại diện một công ty nông sản tham dự sự kiện cũng đã nhận định, trước đây chưa biết tới thương mại điện tử xuyên biên giới nên khi xuất khẩu hồ tiêu qua các công ty trung gian thường bị ép giá, không làm chủ giá bán.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cũng được Ban tư vấn trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn nhiều giải pháp về tiếp cận thị trường, mẫu mã sản phẩm, hoạch định chiến lược kinh doanh...
Theo ông, Phạm Đạt, Tổng giám đốc Fado, đối tác của Alibaba.com, doanh nghiệp thường gặp khó về phương thức thanh toán, thủ tục pháp lý, xuất nhập khẩu, cách đánh giá uy tín người mua hàng, cách xử lý tranh chấp thương mại. Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ, hạn chế về kiến thức bán hàng trong môi trường xuyên biên giới cũng khiến cho việc tiếp cận khách hàng, xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn.
Tại thị trường Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, các doanh nghiệp hiểu rõ vai trò của thương mại điện tử, tận dụng để bán hàng trong nước, xuất khẩu hàng hóa trên toàn thế giới với tốc độ và quy mô ngày càng cao.
“Chúng ta làm gì để sản phẩm của mình tiếp cận được với khách hàng một cách nhanh chóng nhất, ít tốn kém nhất? Giải pháp ấy là kết nối thương mại điện tử”, ông Đạt nói.