Hàng rào phi thuế quan vẫn là trở ngại chính đối với hàng nhập khẩu vào EU

Hàng rào phi thuế quan vẫn là trở ngại chính đối với hàng nhập khẩu vào EU

(ĐTCK) Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang có xu hướng suy giảm.

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được tổ chức tại TP.HCM, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang có xu hướng suy giảm (11 tháng năm 2019 xuất khẩu đạt 38,38 tỷ USD, giảm 1,26% so với cùng kỳ 2018).

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này: năm 2019 là điểm chững sau thời gian tăng trưởng nóng liên tục từ 2000 đến 2018; nhóm hàng nông sản gặp biến động về giá và các rào cản kỹ thuật của EU (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề an toàn vệ sinh…); sụt giảm kim ngạch mặt hàng máy tính linh kiện điện từ (một phần do Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10 và máy tính bảng); Việt Nam chủ yếu bán nguyên liệu thô, chưa có nhiều mặt hàng đã qua chế biến, có giá trị gia tăng…

Theo đại diện Bộ Công thương, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh chóng từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,77 tỷ USD năm 2018. EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (số liệu năm 2018). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 10 lần.

Theo Hiền, mặc dù thị trường đã mở cửa, nhưng các rào cản EU vẫn còn sử dụng rất lớn. Hàng rào phi thuế quan sẽ là vấn đề trở ngại chính cho các doanh nghiệp xấu khẩu vào những thị trường này.

Cụ thể, EU đưa ra các tiêu chí rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động, thực vật, an toàn đối với môi trường.

Cụ thể, hàng rào kỹ thuật có tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, dán nhãn, nhãn sinh thái EU…. Ngoài ra, EU còn áp dụng hạn chế nhập khẩu với một số sản phẩm nông nghiệp (cần có giấy phép nhập khẩu), sản phẩm nhôm, sắt thép (tất cả nhập khẩu sắt, thép và một số sản phẩm nhôm có trọng lượng tịnh trên 2.500 kg phải được EU giám sát từ trước). 

EU cũng đưa ra các tiêu chuẩn về marketing đối với nông sản và thủy sản, sản phẩm sản xuất hữu cơ. Theo hệ thống tiếp thị chung cho các sản phẩm nông nghiệp, các yêu cầu khác nhau tùy theo sản phẩm. Nội dung marketing về độ tươi, kích thước, chất lượng, cách trình bày... Các tiêu chuẩn tiếp thị cho các sản phẩm thủy sản được phân loại theo chất lượng, kích thước hoặc trọng lượng, đóng gói, trình bày và ghi nhãn.

Bên cạnh đó, thị trường này còn đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường như hóa chất, hóa chất độc hại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải…. 

“Đối với các mặt hàng đã vượt qua hàng rào phi thuế quan, thì sẽ có phương án khác để kiểm soát… Đây chính là những phương án song hành với phương án tự do hóa thương mại mà EU đang cổ vũ”, bà Hiền nhấn mạnh.

Tin bài liên quan