Tình trạng đăng tải videoclip có nội dung xấu, vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng.

Tình trạng đăng tải videoclip có nội dung xấu, vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng.

Hàng loạt nhãn hàng tẩy chay YouTube

Các nhãn hàng lớn của Việt Nam đã đồng loạt ngưng, gỡ bỏ quảng cáo trên các video của YouTube.

Yêu cầu 21 nhãn hàng gỡ quảng cáo trên clip phản động

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa gửi công văn đến các nhãn hàng, thương hiệu yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các clip chống phá nhà nước và chứa nội dung phản động trên YouTube. Cục yêu cầu các nhãn hàng và thương hiệu phải giải trình trước ngày 17/6.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ ra 3 sai phạm lớn nhất của Google. Đó là cơ chế quản lý nội dung đăng tải của YouTube rất lỏng lẻo; không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense; cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý trong nước.

Năm 2018, chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó, quảng cáo trên Facebook chiếm 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD (chiếm tới 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam).

- Công ty nghiên cứu thị trường ANTS

Trên YouTube hiện có khoảng 55.000 videoclip có nội dung xấu, vi phạm pháp luật. Tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do cả 5 chủ thể (YouTube - Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; các nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng YouTube - Google; những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam…) đều có sai phạm.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, 2 năm gần đây, Google đã hợp tác khá tích cực, tỷ lệ gỡ bỏ các clip xấu độc theo yêu cầu được khoảng 90 - 95%. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ video theo yêu cầu của Cục vẫn chưa phát huy tác dụng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập.

Bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.

Các nhãn hàng “nói không” với Youtube

Ngay sau khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng, nhiều nhãn hàng cho biết đã thực hiện ngay việc chặn quảng cáo trên clip của YouTube chứa nội dung thông tin xấu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, VNG cho biết, VNG đã tự tổng hợp một danh sách “loại trừ quảng cáo” ra khỏi hàng trăm kênh có nội dung xấu. Danh sách này được VNG cập nhật liên tục và gửi sang đối tác thường xuyên. Nhờ vậy, thời gian gần đây, tần suất xuất hiện quảng cáo của sản phẩm PUBG Mobile trên các trang có nội dung xấu là rất ít.

Một thương hiệu khác là Huawei cho biết, trong quá trình thực hiện các chiến dịch quảng cáo, Huawei thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đảm bảo khi có bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra ngoài quy tắc được cài đặt sẵn, thì quảng cáo sẽ được tắt ngay.

“Ở thời điểm hiện tại, Huawei đã tạm dừng phát tất cả quảng cáo trên các kênh YouTube. Huawei cũng đang làm việc trực tiếp với YouTube để làm rõ vấn đề này”, đại diện Huawei cho biết.

Còn FPT Shop cũng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các chiến dịch quảng cáo do Công ty cũng như đối tác thực hiện.

Đại diện một nhãn hàng lớn khác là Shopee cũng cho hay, Shopee đã yêu cầu Google - đối tác quảng cáo của Công ty cung cấp danh sách những trang quảng cáo phù hợp. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ hơn, Shopee cũng chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo cho các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo một cách phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Các doanh nghiệp có liên quan đều bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý có những giải pháp và công cụ mạnh tay hơn để để bảo vệ uy tín và quyền lợi chính đáng cho các thương hiệu, doanh nghiệp - đều là nạn nhân của kênh bẩn và sự không chặt chẽ của YouTube trong kiểm duyệt nội dung.

Tin bài liên quan