Hạn hán tạo cơ hội cho doanh nghiệp điện chuyển mình

Hạn hán tạo cơ hội cho doanh nghiệp điện chuyển mình

(ĐTCK) Hạn hán, thiếu nước sẽ tác động tới khả năng sản xuất điện tại nhiều nhà máy thuỷ điện trên cả nước. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khả năng phải huy động các nguồn điện khác để bù đắp lượng điện thiếu hụt từ các nhà máy thuỷ điện. Trên sàn niêm yết, bối cảnh này đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhiệt điện than chuyển mình.

Tiềm năng PPC

Hện nay, bên cạnh thủy điện, có 2 nhóm doanh nghiệp sản xuất điện khác là nhiệt điện than, khí và điện gió, điện mặt trời. Với nhiệt điện than, nhiệt điện khí, việc tăng sản lượng phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào là than và khí.

Còn với điện gió, điện mặt trời, mặc dù đầu tư công suất lớn, nhưng có trở ngại về đường tải điện, cũng như đang trong giai đoạn đầu của vận hành, nên chưa đạt điểm hoà vốn để có thể bùng nổ lợi nhuận. Ðiều này khiến nhóm cổ phiếu nhiệt điện khí và than được giới đầu tư quan tâm.

Hạn hán tạo cơ hội cho doanh nghiệp điện chuyển mình ảnh 1

Biên lợi nhuận gộp của một số cổ phiếu điện giai đoạn 2016-2019.

Trong quá khứ, các doanh nghiệp điện than và khí từng ghi nhận sự bùng nổ biên lợi nhuận vào năm 2017 - là năm nóng đỉnh điểm của Việt Nam khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến, trước khi giảm trở lại những năm sau đó.

Tại nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than, 2 doanh nghiệp CTCP Nhiệt diện Phả Lại (PPC) và CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đang cho thấy hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các doanh nghiệp nhiệt điện khí như CTCP Ðiện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) về biên lợi nhuận.

Ðối với PPC, hoạt động kinh doanh vốn phụ thuộc vào tỷ giá khi dư nợ vay chủ yếu là yên Nhật. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ vào vận hành nhà máy đi qua điểm hoà vốn nên PPC có thể đẩy mạnh việc trả nợ, giúp nợ vay giảm mạnh.

Theo đó, nếu như dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn năm 2016 của PPC là 4.207,4 tỷ đồng, thì nay đã giảm xuống 126,6 tỷ đồng. Nhờ vậy, chi phí tài chính của PPC cũng giảm theo, từ mức 125,5 tỷ đồng của năm 2016 xuống còn 12,2 tỷ đồng vào năm 2019.

Việc vận hành ổn định nhà máy nhiệt điện than đã mang lại dòng tiền đều đặn, từ đó giúp PPC trả nợ vay, giảm áp lực tài chính.

Ðồng thời, việc chi phí khấu hao nhà máy giảm dần theo thời gian cũng làm tăng hiệu quả vận hành. Năm 2016, tổng chi phí lãi vay và khấu hao là 197,6 tỷ đồng, thì tới năm 2019 đã giảm về 47,7 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2019, PPC có 1.300,6 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 17,9% tổng tài sản. Nhờ dòng tiền dồi dào, PPC duy trì chính sách trả cổ tức cao hàng năm: Năm 2016 là 20%, năm 2017 là 25%, năm 2018 là 27% và dự kiến năm 2019 tối thiểu là 20%. Ðược biết, năm 2019, PPC đạt 1.529,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 196% kế hoạch cả năm.

Hoạt động kinh doanh của PPC mang tính ổn định cao. Nếu EVN huy động thêm nguồn điện từ than để bù đắp thiếu hụt và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp đủ than để sản xuất, PPC có thể được hưởng lợi từ bối cảnh thị trường hiện nay. Công suất thiết kế của PPC hiện tại là 1.040 MW.

HND: Lợi thế nhà máy mới

HND được thành lập năm 2002, hiện sở hữu hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 với tổng công suất suất thiết kế 1.200 MW, ứng với sản lượng bình quân hàng năm 7 tỉ kWh/năm, sản lượng điện dao động 6,3-7 tỷ kW trong giai đoạn 2014-2018. Hải Phòng 1 vận hành thương mại năm 2001 và Hải Phòng 2 vận hành năm 2013.

Công ty đang trong quá trình vận hành và trả dần nợ vay, nên tỷ lệ nợ còn cao và chi phí khấu hao lớn. Cụ thể, năm 2016, HND có tổng dư nợ vay là 17.103 tỷ đồng, chiếm 65,32% nguồn vốn, thì tới năm 2019 đã giảm 22,7% về 12.664 tỷ đồng, chiếm 42,62% nguồn vốn. Về chi phí khấu hao, năm 2019 là 1.789,5 tỷ đồng, giảm không nhiều so với con số 1.897,7 tỷ đồng của năm 2016.

Tại báo cáo tài chính của HND, khoản mục chênh lệch tỷ giá hối đoán được ghi âm vào mục vốn chủ sở hữu lần lượt các năm 2015 là 790 tỷ đồng, năm 2016 là 714 tỷ đồng, năm 2017 là 299 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018 và 2019 đều là 0 đồng.

Ðiều này cho thấy HND đã ghi nhận hết chi phí lỗ tỷ giá giai đoạn xây dựng cơ bản Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 và sẽ không chịu áp lực tỷ giá từ năm 2018, nếu có chỉ là đánh giá lại gốc tiền tệ do dư nợ hiện tại vẫn lớn.

Việc vận hành nhà máy mới khiến HND gặp hạn chế về dòng tiền, nhưng bù lại doanh nghiệp có thể nâng cao công suất, cũng như hiệu quả kinh doanh trong những năm tới, khả năng “được chọn” cũng cao hơn so với PPC khi Chính phủ yêu cầu tăng công suất nếu được cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất.

Hạn hán tạo cơ hội cho doanh nghiệp điện chuyển mình ảnh 2

Phân tích trên cho thấy, 2 doanh nghiệp có hiệu quả cao nhất ngành điện than đang trong các giai đoạn khác nhau.

PPC đã trả hết nợ vay và khấu hao hết tài sản cố định, việc vận hành tạo nên hiệu quả cao do giảm chi phí, nhưng vì tuổi đời nhà máy cao nên khả năng gặp rủi ro vận hành sẽ lớn.

Nếu doanh nghiệp không lên kế hoạch nâng cấp hoặc xây dựng thêm nhà máy mới trong tương lai gần thì sẽ khó cải thiện lợi nhuận khi nhà máy đã tối đa công suất.

Ở chiều ngược lại, nhà máy của HND có tuổi đời trẻ hơn, nên các chi phí khấu hao và lãi vay hiện tương đối lớn. Nếu việc cung cấp than không bị gián đoạn thì hiệu quả vận hành của HND sẽ còn được cải thiện nhờ giảm áp lực lãi vay và chi phí khấu hao.

Khi doanh nghiệp trả hết nợ vay và khấu hao hết tài sản cố định thì khả năng lợi nhuận bùng nổ vào giai đoạn cuối của chu kỳ xây dựng một nhà máy mới đối với doanh nghiệp sản xuất điện từ than được đánh giá cao.

Ðiểm khó với HND là lượng than cung cấp từ TKV đang có dấu hiệu giảm, đây cũng là rủi ro hiện hữu đối với doanh nghiệp nhiệt điện than.

Nhiều tập đoàn có nguyên liệu đầu vào là than đang tìm cách phải nhập than từ các quốc gia trên thế giới, giá cả than sẽ lấy theo giá thế giới tại từng thời điểm.

Theo ước tính của TKV, năm 2020 sẽ nhập khẩu 12 triệu tấn, năm 2025 là 30 triệu và năm 2030 là 50 triệu tấn.

Thống kê về biến động giá than thế giới cho thấy, giá than đã giảm mạnh, từ mức 96 USD/tấn giai đoạn đầu năm 2019 về 66 USD/tấn hiện tại, nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại do nhu cầu lớn tại nhiều nước châu Á như Ấn Ðộ, Indonesia, Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát.

Trong bối cảnh hiện tại, nếu Chính phủ huy động các nguồn điện khác để bù đắp thiếu hụt điện từ thuỷ điện, nguồn có thể huy động được là các nhà máy nhiệt điện khí và than.

Trong khi đó, các nhà máy điện gió và điện mặt trời muốn huy động phải xây dựng hoặc nâng cấp lại đường dây truyền tải điện, bởi các nhà máy này chủ yếu xây dựng ở một khu vực, việc truyền tải điện năng bị quá tải, nên dù có thể sản xuất thì việc tiêu thụ điện bị hạn chế đáng kể.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, mùa khô năm nay có thể khắc nghiệt, lượng nước trên các sông, hồ sẽ thiếu hụt, hạn mặn xâm lấn sâu hơn so với những năm gần đây.

Cụ thể, từ tháng 1 tới tháng 7/2020, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn cao nhất tập trung vào 3 tháng đầu năm. Xét về lượng mưa, từ tháng 1 tới tháng 6 có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm và từ tháng 7 mới có thể tăng vượt mức trung bình.

Tin bài liên quan