Hai mặt của việc hợp tác với “ông lớn”

Hai mặt của việc hợp tác với “ông lớn”

(ĐTCK) Tuần đầu tháng 9/2018, thị trường xôn xao bởi thông tin Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N (GNNExpress) nộp đơn tự thú liên quan đến việc mất khả năng thanh toán tiền đã thu hộ khách hàng khi cung cấp dịch vụ chuyển hàng thu hộ tiền của Công ty. Phía sau những ồn ào này là một bài học cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc làm cùng những đối tác quá tầm.

GNNExpress mất thanh khoản vì… Lazada?

Trên facebook Chuyển phát nhanh GNN - GNNExpress đêm 31/8/2018 xuất hiện một thông báo gửi khách hàng cùng đối tác về việc lãnh đạo Công ty tự thú trước cơ quan pháp luật về hành vi lạm dụng dụng tín nhiệm chiếm đoạt khách hàng  5,5 tỷ đồng.

Nội dung này đăng cùng đơn tự thú của lãnh đạo Công ty. GNNExpress đứng trước nguy cơ tan rã vì khủng hoảng tài chính.

Theo thông tin đăng tải, do khó khăn về tài chính, Tổng giám đốc đã quyết định sử dụng tiền thu của khách hàng để nuôi sống Công ty, dẫn đến việc chiếm đoạt số tiền thu hộ của khoảng 100 khách hàng (dịch vụ giao hàng COD) với số tiền trên 5,5 tỷ đồng - theo thống kê của kế toán Công ty (trích đơn tự thú của ông Ngọc).

Việc mất khả năng thanh toán cũng dẫn đến việc Công ty mất khả năng trả khoản vay mua 6 ô tô và vay tín chấp trị giá 1,7 tỷ đồng, nợ bạn bè 3,5 tỷ đồng và nợ đối tác hàng khoảng 1 tỷ đồng.

Ngày 27/8/2018, Tổng giám đốc đã họp toàn thể Công ty và thông báo về thực trạng khó khăn, đưa ra giải pháp trên cơ sở kỳ vọng về một khoản vay từ người thân. Tuy nhiên, phương án không thành, lãnh đạo Công ty đã xin tự thú trước Cơ quan công an tại Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 31/8/2018.

Thông tin trên facebook chính thức của GNNExpress cho thấy, có khá nhiều khách hàng với số dư từ vài chục đến vài trăm triệu tiền chưa thu được từ GNNExpress.

Đã có những hỗn loạn xảy ra tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Công ty và các khách hàng, nhưng hiện nay, mọi việc vẫn chủ yếu trong giai đoạn thu thập thông tin để đối chiếu, chờ xử lý.

Trong lúc các khách hàng lo đòi lại tiền từ GNNExpress thì với nhà đầu tư, câu hỏi lớn nhất khi vụ việc bị bung vỡ là điều gì khiến GNNExpress rơi vào hoàn cảnh này?

“Đầu năm 2017, Công ty chúng tôi (hội đồng quản trị) đã quyết định cung cấp dịch vụ cho khách hàng Lazada. Dù tôi đã phân tích rủi ro cho Hội đồng quản trị nhưng tôi không đủ kiên quyết can ngăn nên một lần nữa, Công ty chúng tôi mắc sai lầm.

Khách hàng Lazada quá lớn khiến chúng tôi bị vỡ hệ thống, phải đi vay ngân hàng mua ô tô và thuê nhân sự. Sau khi cung cấp dịch vụ cho Lazada được 9 tháng, chúng tôi bị họ chủ động dừng sử dụng dịch vụ do không đảm bảo chất lượng”, ông Hoàng Ngọc, Tổng giám đốc GNNExpress viết về nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong quản trị tài chính tại đơn tự thú.

Dư luận vẫn chưa rõ lý do thực sự khiến GNNExpress rơi vào khủng hoảng tài chính có đúng như ông Hoàng Ngọc đã viết hay không, nhưng có một sự thật là, làm với ông lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đón nhận cơ hội lớn, nhưng tiềm tàng rủi ro khó ngờ. 

Hai mặt của việc hợp tác với “ông lớn”

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cung cấp hàng cho Vingroup cho biết, bản thân ông cùng công ty đã phải rất nỗ lực để trở thành nhà cung cấp một phần vật liệu xây dựng cho Vingroup.

“Được hợp tác với Vingroup là mơ ước của chúng tôi, vì đây là khách hàng lớn, có uy tín. Bán được hàng cho 1 dự án của Tập đoàn thì quy mô đã lớn hơn cả những khách hàng lớn khác cộng lại. Doanh số lớn và hiệu ứng thương hiệu cao là những giá trị chúng tôi nhận được. Bản thân việc hợp tác với Vingroup cũng là một sự đảm bảo để Công ty có thể làm với các đối tác khác”, ông nói.

Tuy nhiên, để có những giá trị này, nhà cung cấp luôn phải chấp nhận áp lực vì đơn hàng lớn và đặc biệt là chỉ cần chậm tiến độ một chút sẽ bị phạt hợp đồng.

Ở chiều ngược lại, hợp tác với doanh  nghiệp lớn không phải lúc nào cũng toàn cơ hội. Ông Trần Anh V., tổng giám đốc một doanh nghiệp phụ trợ ngành nhựa chia sẻ, công ty ông từng rất nỗ lực để ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, do quy mô đơn hàng từ phía khách hàng nước ngoài rất lớn nên doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, đầu tư cả hệ thống dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Có lãi đến ở đơn hàng đầu tiên, nhưng từ đơn hàng thứ hai thì bắt đầu “có chuyện”.

“Đến đơn hàng thứ hai, do chúng tôi đã đầu tư lớn, nếu không có đơn thì sẽ bị lỗ nặng, nên đã bị đối tác ép giảm giá. Công ty từ vị thế chủ động trở nên phụ thuộc vào đối tác. Thậm chí, có đơn chúng tôi chấp nhận làm không công để tránh nguy cơ bị lỗ khấu hao và có việc cho anh em công nhân làm”, ông V. nói.

Bước vào thương trường là phải chấp nhận rủi ro, nhưng làm sao để tận dụng cơ hội và quản lý được rủi ro, đó luôn là bài toán khó nhất. Câu chuyện của GNNExpress chưa có hồi kết, nhưng ở đó có một bài học cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi hợp tác với những đối tác quá tầm. 

Tin bài liên quan