Giảm vốn điều lệ: Mở đường cho doanh nghiệp “tẩy” lỗ?

Giảm vốn điều lệ: Mở đường cho doanh nghiệp “tẩy” lỗ?

(ĐTCK) Trong khi một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi bổ sung quy định cho phép DN được giảm vốn điều lệ, thì đại diện ban soạn thảo cho rằng, chưa thấy lý lẽ thuyết phục.

Nhu cầu từ doanh nghiệp

Góp ý cho dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới, một số ý kiến đề nghị, dự thảo cần bổ sung quy định cho phép DN giảm vốn điều lệ, nhất là đối với các trường hợp kinh doanh thua lỗ. Theo quy định hiện hành, có 2 trường hợp DN được giảm vốn điều lệ: (1) đăng ký vốn điều lệ cao, nhưng thực tế không góp đủ; và (2) DN mua lại tối đa 30% số cổ phiếu đã bán và hủy số cổ phiếu này.

Việc giảm vốn điều lệ, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đang là vấn đề bức thiết đặt ra, nhất là trong bối cảnh quá trình tái cấu trúc DN đang được thúc đẩy. Thực tế, nhiều DN thua lỗ có nhu cầu tái cấu trúc theo hướng giảm vốn điều lệ về mức thực có, thông qua gộp cổ phần (không rút vốn khỏi công ty), nhưng không thể thực hiện được, do vướng quy định của Luật DN hiện hành. Ví dụ, một DN, do kinh doanh thua lỗ, nên chỉ có tổng tài sản trị giá 10 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Nếu giảm được vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng về 10 tỷ đồng, DN có thể phát hành tăng vốn với giá cổ phần tối thiểu bằng mệnh giá.

Về vấn đề này, có ý kiến quan ngại, nếu cho phép giảm vốn điều lệ, dễ tạo ra trào lưu “làm sạch” báo cáo tài chính của DN, từ đó có thể tạo ra những “cái bẫy” đối với NĐT, thậm chí lừa dối các chủ nợ... Chẳng hạn, DN lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nếu quy định pháp luật cho phép, họ sẽ xóa sạch khoản lỗ bằng việc giảm vốn bằng đúng số lỗ này.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, khi NĐT đưa ra quyết định đầu tư vào DN, nhất là với các DN niêm yết, họ không chỉ nhìn vào hiện trạng hoạt động, mà cả lịch sử phát triển của DN. Với các DN niêm yết, do DN phải tuân thủ nghĩa vụ về báo cáo, công bố thông tin, nên NĐT dễ dàng tiếp cận được thông tin về DN.

Theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ khi DN giảm vốn điều lệ, các nước thường đưa ra các ràng buộc chặt chẽ liên quan đến việc giảm vốn này. Theo đó, trong trường hợp việc giảm vốn điều lệ của DN ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ nợ, thì quyết định giảm vốn phải được chủ nợ đồng ý mới được phép triển khai. Tuy nhiên, với trường hợp giảm vốn điều lệ mà không ảnh hưởng đến việc trả tiền cho các chủ nợ, thì DN được quyền thực hiện mà không cần có ý kiến của các chủ nợ. Do đó, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật DN sửa đổi, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới để có thể cho phép triển khai cơ chế giảm vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nhằm góp phần tạo thuận lợi cho các DN tái cấu trúc.

Cần lý lẽ thuyết phục

“Ban soạn thảo nhận được một số đề xuất bổ sung quy định cho phép DN được giảm vốn điều lệ, nhưng lại chưa nhận được các lý lẽ xác đáng, đủ sức thuyết phục. Hầu hết ý kiến đều nhìn ở phần ngọn là nhu cầu từ phía DN để đề xuất, mà không nhìn vào gốc rễ của vấn đề này”, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh -Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ Biên tập Luật DN sửa đổi, nói và phân tích thêm, đối với công ty cổ phần, vốn điều lệ có bản chất là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán, hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập DN.

Một trong những nguyên tắc góp vốn là chuyển quyền sở hữu tài sản. Tài sản sau khi góp vốn chuyển thành tài sản của pháp nhân, nên ý nghĩa của vốn điều lệ xét dưới góc độ tài sản là mất đi. Trong quá trình hoạt động của DN, tài sản có thể tăng lên hoặc giảm đi so với vốn điều lệ ban đầu. Do vậy, vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của DN chỉ còn giá trị tham khảo. Ý nghĩa quan trọng nhất của nó là cơ sở để phân chia lợi ích cho các cổ đông… Bởi vậy, không có lý lẽ thuyết phục để giảm vốn điều lệ.

Mặt khác, ông Hiếu cho rằng, việc giảm vốn điều lệ chẳng khác nào mở đường cho DN “tẩy” lỗ, “làm đẹp” báo cáo tài chính, tác động tiêu cực đến quyền lợi của các chủ nợ, thậm chí xuất hiện nguy cơ DN lừa dối chủ nợ và các cổ đông trong tương lai. Bởi vậy, phương án giảm vốn điều lệ của DN sẽ gần như không bao giờ được chủ nợ chấp thuận, nên ngay cả khi pháp lý cho phép, thì quy định này khó có tính khả thi.

Xét về mặt logic, nếu DN lỗ thì sẽ tiến hành giảm vốn điều lệ, vậy khi DN làm ăn có lãi, giá trị tài sản tăng thì lại tăng vốn điều lệ. Giá trị tài sản của DN biến động hàng ngày, chẳng lẽ DN cũng tiến hành tăng giảm liên tục vốn điều lệ theo?

Từ nay đến khi dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới, cũng như tiếp tục được thảo luận trước khi thông qua vào kỳ họp cuối năm nay, hy vọng sẽ có lời giải thỏa đáng cho bài toán nên hay không nên cho DN được giảm vốn điều lệ.

Tin bài liên quan