Giá hồ tiêu hiện ở mức 60.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước

Giá hồ tiêu hiện ở mức 60.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước

Giá tiêu giảm kỷ lục: Áp lực đổi mới

(ĐTCK) Với sản lượng chiếm tới 55-60% thị phần thương mại toàn cầu, hồ tiêu của Việt Nam đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Để duy trì vị thế này trong bối cảnh giá hồ tiêu đang giảm mạnh và cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngành hồ tiêu Việt cần thay đổi cả về cơ cấu, chất lượng sản phẩm. 

Được mùa, mất giá

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, song sản lượng hồ tiêu liên vụ 2017-2018 vẫn tăng so với liên vụ trước do lứa hồ tiêu trồng mới giai đoạn 2014-2015 bắt đầu cho thu hoạch.

"Tuy nhiên, khi sản lượng tăng thì giá trị thu về lại giảm do giá hồ tiêu sụt giảm mạnh. Cụ thể, nếu như đầu năm 2017, hồ tiêu được bán ra với giá 120.000 đồng/kg, thì nay giảm xuống 60.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi chỉ còn 57.000 đồng/kg", ông Hải cho hay.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt hơn 30.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 116 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng, nhưng giảm 23,9% về giá trị.

Ông Hải cho biết, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân hiện nay đạt khoảng 3.600-3.800 USD/tấn, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn do cạnh tranh gia tăng.

"Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp đến từ Brazil, Campuchia, Indonesia… Đơn cử, tại thị trường Dubai, doanh nghiệp Brazil chào bán giá tiêu đen với giá 2.900-3.000 USD/tấn, thậm chí Indonesia còn chào thấp hơn", ông Hải nói.

Thay đổi cơ cấu, chất lượng sản phẩm để giữ vững thị phần

Thực tế cho thấy, bên cạnh các vấn đề về giá hay cạnh tranh, ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng dư cung của thị trường toàn cầu. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt khoảng 50.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2017, diện tích hồ tiêu thực tế trên cả nước ước lên tới 120.000-130.000 ha.

“Tình trạng dư cung là hậu quả của việc trồng hồ tiêu ồ ạt. Thời điểm năm 2015, khi giá hồ tiêu lên đỉnh điểm đạt 200.000 đồng/kg, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các quốc giá khác đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng, dẫn đến bội thu như hiện tại, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng lên”, ông Nguyễn Nam Hải nói.

Hiện tại, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm tới 55-60% thị phần thương mại toàn cầu. Do đó, việc nâng giá trị sản phẩm hồ tiêu Việt là vấn đề được các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp rất quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Để nâng cao giá trị cho hồ tiêu, cần thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp tham gia vào các hợp tác xã, các liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu thuộc top 5 của Việt Nam cho biết, sự khó khăn đã được tiên lượng trước, song việc giá hồ tiêu sụt giảm mạnh như trên nằm ngoài dự đoán.

"Hiện chúng tôi vẫn thu gom theo giá thị trường, nhưng về dài hạn, để xuất khẩu với giá tốt, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, thì cần tăng xuất khẩu hạt tiêu thành phẩm", vị này nhìn nhận.

CTCP Phúc Sinh là một trong số ít doanh nghiệp sớm thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh cho biết, ngay từ năm 2012, Công ty đã hợp tác với nhiều hộ nông dân ở Buôn Mê Thuột để thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn Rain Forest. Sau khi có chứng nhận này, Phúc Sinh đã đưa được tiêu sang EU, nơi đặt yêu cầu cao về an toàn thực phẩm đối với hạt tiêu, đồng thời đẩy mạnh làm tiêu trắng xuất khẩu, có giá trị cao hơn so với tiêu đen.

Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang gặp khó khăn khi thị trường hấp thụ kém, một số thị trường vốn là thế mạnh như Ấn Độ cũng gặp không ít rào cản.

“Để cải thiện tình trạng trên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần ngồi lại bàn với nhau, thống nhất hướng kinh doanh cũng như giá cả để chủ động đầu ra, nhất là khi Việt Nam đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường toàn cầu như hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ về chiến lược cải thiện giá trị sản phẩm, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp FDI đang làm tốt hơn so với các doanh nghiệp nội.

"Do có lợi thế về thị trường, về điều kiện sản xuất, chế biến, nên các doanh nghiệp FDI có thể sản xuất các sản phẩm có thể sử dụng ngay như hạt tiêu nghiền, có giá trị xuất khẩu cao. Doanh nghiệp Việt cũng cần học theo cách này để cải thiện giá trị, thay vì tập trung xuất khẩu tiêu thô", ông Hải nói.      

Tin bài liên quan