Dùng kế “ve sầu thoát xác” để xóa lỗ

Dùng kế “ve sầu thoát xác” để xóa lỗ

(ĐTCK) Từ việc thua lỗ chồng chất, nợ hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp bất ngờ thoát lỗ, hết nợ khi lột xác thành một cái tên hoàn toàn mới.

Sáng 31/10/2013, thông cáo báo chí của Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên.

Từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, với ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…

Tái cấu trúc Vinashin là vấn đề nóng không chỉ với dư luận trong nước, nay đã có hướng giải quyết. Trong ngành chứng khoán, tuy ở phạm vi hẹp hơn, nhưng câu chuyện tái cấu trúc đã và đang diễn ra mạnh mẽ, bắt đầu có những công ty quyết tâm “làm lại từ đầu”.

Thương vụ hợp nhất CTCK MBS và VIT là một ví dụ. Với khoản lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng của MBS, hợp nhất với một CTCK khác là cách tốt nhất để định giá lại vốn chủ sở hữu, điều chỉnh vốn điều lệ, xóa hết lỗ lũy kế, để MBS bắt đầu lại. Một số CTCK có lỗ lũy kế lớn khác, đặc biệt là SBS, đã từng tính phương xóa lỗ bằng cách giảm vốn điều lệ, nhằm đưa Công ty về “vạch xuất phát” và làm lại từ đầu.

Điểm chung của 3 trường hợp trên là tổ chức “mẹ” của các DN không muốn cắt đứt “đứa con” của mình.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), phương án giữ MBS hay không, khi công ty này lâm vào cảnh lỗ nặng hồi cuối năm 2011 (lỗ lũy kế 600 tỷ đồng), đã từng được đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, cuối cùng, Ngân hàng mẹ quyết định giữ lại CTCK, vì định hướng chiến lược của Ngân hàng là trở thành tập đoàn kinh tế, trong đó có một mảng kinh doanh là chứng khoán.

Nhưng khi quyết định giữ lại MBS, MB đã đặt mục tiêu không đơn giản cho DN này. Định vị của MB là nằm trong Top 3 các ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam vào năm 2015 và vì thế, MBS cũng phải có tên trong Top 3 - 5 CTCK tốt nhất sau 2 năm nữa, cộng với một nhiệm vụ rất cụ thể là phải trả được cổ tức tăng dần cho cổ đông.

Thương vụ hợp nhất MBS và VIT sắp hoàn tất để sau đó, MBS sẽ phải hướng đến mục tiêu chiến lược, như một cách đền đáp sự giúp sức của tất cả các cổ đông, đặc biệt là cổ đông mẹ MB.

Với Vinashin thì sao? Thông điệp từ Bộ Giao thông - Vận tải không nói gì đến mục tiêu mà Tổng công ty được hình thành sau quá trình tái cấu trúc Vinashin phải đạt được trong một vài năm tới.

Khoản nợ Vinashin để lại cho nền kinh tế không tự nhiên mất đi, rất nhiều chủ thể, trong đó cả ngân hàng, đã “mất nghiệp” từ sự chìm xuồng của Vinashin.

Việt Nam không thể thiếu một DN mạnh trong ngành công nghiệp đóng tàu và đó có lẽ là lý do chính khiến Vinashin được hỗ trợ nhiệt tình để thay tên, đổi vận…

Nhưng Vinashin khi đã trở lại, cần phải hướng đến những mục tiêu cụ thể, định vị mình ở đâu trong ngành công nghiệp đóng tàu quốc tế, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế cho ngân sách nhà nước như thế nào trong thời gian tới. Bởi với người dân, Vinashin chỉ đáng giữ lại nếu DN này mang lại những hiệu quả cụ thể để “trả nợ” cho nền kinh tế và hướng đến tương lai đóng góp cho nền kinh tế thịnh vượng hơn.

>> SBIC làm gì để thay thế Vinashin?

>> 3 cái tên ngành chứng khoán sắp "biến mất"

>> MBS - VIT được chấp thuận hợp nhất  

>> Tự “chết” để “hồi sinh”

>> Hợp nhất CTCK, lựa chọn ưu tiên để tồn tại

>> SBS - PNS thuận duyên hay ép duyên?