Đua tranh “mỏ vàng” thương mại điện tử

Đua tranh “mỏ vàng” thương mại điện tử

(ĐTCK) Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thu hút các ông lớn hàng đầu thế giới đến Việt Nam, đua tranh vẽ lại thị phần.

Amazon tìm hiểu thị trường Việt Nam

Mới đây nhất, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos (Mỹ) đã bắt tay với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) hỗ trợ các nhà bán lẻ với chương trình bán hàng trên Amazon Global Selling. Hai bên sẽ tổ chức những lớp hướng dẫn nâng cao, hỗ trợ trực tuyến doanh nghiệp trong 6 tháng để có thể đưa hàng lên kệ của Amazon.

Động thái này được đồn đoán có thể là khởi đầu cho những bước đi tiếp theo của Amazon trong tìm hiểu thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, phía Amazon chưa xác nhận có chính thức gia nhập thị trường Việt Nam hay không.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Internet Novaon cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 2,8 tỷ USD và được Google dự báo lên tới 15 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Indonesia). Như vậy, thị trường thương mại điện tử vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% trong 5 - 7 năm tới

Đánh giá về việc thăm dò thị trường tại Việt Nam của Amazon, Chủ tịch Novaon cho rằng, nếu Amazon vào Việt Nam là một điều đáng mừng và là cơ hội cho Việt Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của Amazon khi vào Việt Nam là nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nhiều hơn là nhằm tấn công vào thị trường này. Bởi thứ nhất, Việt Nam là nước xuất khẩu mạnh với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 245 tỷ USD.

Thứ hai, các nhà bán hàng xuyên biên giới (Cross-border Merchant) của Việt Nam thuộc Top cao trên thế giới về sự năng động và khả năng bán hàng toàn cầu. Thứ ba, lực lượng tham gia bán hàng xuyên biên giới của Việt Nam trong vài năm qua tăng 200 - 300% về số lượng, nhưng cần nhiều sự hỗ trợ, đào tạo nhằm nâng cao năng lực bán hàng quốc tế để tạo bứt phá doanh thu.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương cho thấy, trung bình mỗi tuần, một người Việt Nam bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Đáng lưu ý, có gần 1/3 người sử dụng Internet để mua sắm online, với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.

Theo dự báo của cơ quan này, đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online. 

Phát triển nóng và cạnh tranh khốc liệt

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM đánh giá, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã phân hóa mạnh mẽ với nhóm dẫn dắt thị trường là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi… và đã định hình lối đi riêng.

Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội và ngoại. Alibaba của tỷ phú Jackma đã vào thị trường Việt Nam thâu tóm Lazada và liên tục rót vốn để phát triển. Hiện Lazada có khoảng hơn 155.000 nhà bán hàng, 3.000 thương hiệu, là một trong ba trang thương mại điện tử được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.

Đằng sau sự phát triển nóng của Shopee tại Việt Nam là Tencent - gã khổng lồ công nghệ. Shopee đã nhanh chóng vươn lên là một trong số ít trang thương mại điện tử hàng đầu tại thị trường 90 triệu dân. Tencent, tập đoàn công nghệ của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd, đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee với 39,7% cổ phần.

Cùng với Adayroi của Tập đoàn Vingroup, Sendo của Tập đoàn FPT, VNG tiếp tục rót vốn vào Tiki… Các doanh nghiệp Việt cũng không ngừng gia tăng năng lực để cạnh tranh với ông lớn ngoại cùng phân chia lại miếng bánh thị phần của thị trường thương mại điện tử.

Google nhận định, tại Việt Nam, ước tính giai đoạn 2017 - 2025, doanh thu của ngành bán lẻ online được dự báo sẽ tăng lên gấp 3,6 lần.

Bà Pearl Nguyễn, Quản lý đối tác chiến lược của Google tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2016- 2018, số lượng từ khóa tìm kiếm liên quan đến các trang thương mại điện tử tăng 6,5 lần, điều này cho thấy nhu cầu mua sắm của người Việt ngày càng nâng cao.

Google nhìn ra bốn nguyên nhân chính là động lực tăng trưởng cho thương mại điện tử tại Việt Nam. Thứ nhất, tỷ lệ online trên mobile của người Việt rất lớn, đặc biệt lượng người trẻ sử dụng smartphone lớn. Thứ hai, tỷ lệ chuyển đổi từ tìm hiểu sản phẩm sang chốt đơn hàng của khách hàng Việt rất cao. Thứ ba, người mua hàng không trả lại khi đã mua và cuối cùng là tỷ lệ người bán hàng online tại Việt Nam cao và chấp nhận chi trả tiền mặt cùng lượng ra đơn hàng lớn.

Các sản phẩm về thời trang (quần áo, giầy dép), mỹ phẩm, văn phòng phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng, đồ nội thất, sản phẩm ăn uống… được người tiêu dùng Việt Nam mua bán chủ đạo trên online.

Tin bài liên quan