Nuôi tôm công nghiệp tại Thanh Hóa khốn đốn do chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ

Nuôi tôm công nghiệp tại Thanh Hóa khốn đốn do chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ

Dự án nuôi tôm công nghiệp tại Thanh Hóa: Chính quyền thành... con nợ

Sau hơn chục năm phát triển nuôi tôm công nghiệp, do triển khai theo phong trào, thiếu vốn, thiếu chuyên môn kỹ thuật, nên hầu hết đơn vị nuôi tôm tại Thanh Hóa thua lỗ, không trả được vốn vay. Hậu quả là, chính quyền các địa phương triển khai dự án đang chịu khoản nợ đọng lớn dần theo thời gian.

Phá sản từ dự án phong trào

Theo thông tin do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cung cấp, các dự án nuôi tôm công nghiệp tại địa phương này hoàn toàn thiếu quy trình nuôi tôm công nghiệp, nên năng suất và sản lượng đạt thấp, hậu quả là có tới 90% số đơn vị nuôi thua lỗ, không trả được vốn vay và hoa lợi đất.

Dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) là dự án lớn nhất trong 6 dự án được triển khai tại Thanh Hóa và là một trong 22 dự án nuôi tôm công nghiệp của Bộ Thủy sản (trước đây) chọn đầu tư theo Chương trình 224 (Quyết định 224/1999 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nuôi trồng thủy sản). Dự án này được thực hiện từ năm 2002, với vốn đầu tư 25,88 tỷ đồng, quy mô 106 ha, trong đó 67,5 ha diện tích nuôi, chia thành 133 ao nuôi.

Trong quá trình triển khai, UBND xã trực tiếp quản lý, giao thầu 133 ao nuôi cho 133 hộ dân trong xã (thời gian giao thầu 13 năm, từ năm 2002 đến năm 2014). Cũng theo hợp đồng, các “nhà thầu” này phải chi trả 200 kg thóc/sào để trả hoa lợi ruộng đất cho các hộ bị thu đất và 37 triệu đồng/ha/năm để trả vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Năm 2002, năng suất bình quân của nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Phụ chỉ đạt 0,58 tấn/ha, năng suất cao nhất 1,4 tấn/ha; tổng sản lượng 39,5 tấn, doanh thu 3,15 tỷ đồng, lỗ 1,4 tỷ đồng; các năm sau đó, năng suất và sản lượng nuôi không tăng, một số hộ nuôi tiếp tục thua lỗ.

Tương tự, dự án nuôi tôm  tại xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia) có quy mô 94,5 ha (trong đó có 64 ha ao nuôi), với tổng mức đầu tư tại thời điểm năm 2003 là 14,632 tỷ đồng, được UBND xã Thanh Thủy trực tiếp quản lý sau đầu tư.

Năm 2003, xã Thanh Thủy đã giao thầu toàn bộ 64 ao nuôi cho 3 công ty là Hoàng Gia, Việt Tiến và Thái Bình Dương, với mức khoán 20 triệu đồng/ha/năm (trong thời gian 20 năm) để trả hoa lợi cho những hộ dân mất ruộng và 10 triệu đồng/ha/năm (trong 4 năm đầu) để trả vốn vay ngân hàng.

Trong năm đầu, chỉ một doanh nghiệp có lãi. Những năm tiếp theo, tất cả các đơn vị nuôi tôm đều thua lỗ. Thậm chí, năm 2007, UBND xã Thanh Thủy đã hạ mức giao thầu còn 6 triệu/ha/năm, song các đơn vị và cá nhân cũng không mặn mà.

Đánh giá nguyên nhân thua lỗ tại các dự án nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá) cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan như thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thì nguyên nhân chủ quan là sự nóng vội của các ngành, các cấp và cả nhà đầu tư khi chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ, đặc biệt là năng lực vốn và kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của nuôi tôm công nghiệp.

“Ban đầu, mọi người đều cho rằng, dự án nuôi tôm công nghiệp sẽ mang lại siêu lợi nhuận, nên bằng mọi giá phải thực hiện dự án và sẵn sàng chi trả hoa lợi tới 200 - 300 kg thóc/sào cho những nông dân nhường đất để thực hiện dự án”, ông Thọ cho biết thêm.

 Chính quyền xã thành con nợ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, do triển khai  dự án nuôi tôm công nghiệp, xã Trường Giang (Nông Cống) đang nợ đọng ngân hàng và người dân nhường đất tới gần chục tỷ đồng.

Bà Ngô Thị Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2002, hưởng ứng chương trình chuyển đổi cây trồng có năng suất thấp sang nuôi tôm công nghiệp, UBND xã Trường Giang đã vận động 38 hộ dân trong xã thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do diện tích đất đai của mỗi hộ khác nhau, mà tiêu chuẩn ao nuôi lại theo quy chuẩn 1 ha/ao, nên xã đã thống nhất thuê lại đất của toàn bộ các hộ, với mức chi phí 300 kg thóc/sào/năm, đồng thời tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh và vay thêm vốn ngân hàng để triển khai hạ tầng, nhằm sau đó kêu gọi các nhà thầu vào thực hiện dự án.

Năm 2003, có 2 nhà thầu vào nhận 16 ao nuôi, với mức thuê 15 triệu đồng/ao/năm, nhưng không hiệu quả. Những năm sau đó, xã giảm mức thuê còn 13 triệu đồng/ao/năm, rồi 10 triệu đồng/ao/năm…, song các đơn vị đến thuê nuôi tôm vẫn không có lãi và chuyển  sang nuôi con giống khác.

Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết, năm 2003, Công ty thầu lại 14 ha tại xã Trường Giang để nuôi tôm công nghiệp, nhưng không có hiệu quả, chủ yếu do nguồn nước không đảm bảo. “Hiện tại, Công ty đã chuyển toàn bộ phần diện tích trên sang nuôi cá rô phi. Mặc dù năng suất không cao, nhưng nuôi cá rô phi đơn giản và loại bớt rủi ro”, bà Cúc nói.

“Nghịch lý là, giá thóc phải trả cho các hộ nhượng ruộng đất ngày càng tăng, trong khi giá cho các nhà thầu thuê lại ngày càng giảm”, bà Thu nói và cho biết, đây chính là nguyên nhân làm xã Trường Giang mất cân đối thu - chi và lâm vào cảnh nợ nần ngày càng tăng. Cụ thể, với mức cho thuê 10 triệu đồng/ao/năm, UBND xã Trường Giang thu về được 380 triệu đồng/năm, nhưng phải chi trả tới 920 triệu đồng/năm (quy đổi theo giá thóc). Biết lỗ, nhưng xã vẫn phải làm, vì làm còn hơn là bỏ không”, bà Thu chua chát nói.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại Thanh Hóa đã tổ chức rất nhiều cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bên liên quan tới dự án nuôi tôm phong trào. Tuy nhiên, chưa có một giải pháp thỏa đáng nào được đưa ra, trong khi hầu hết đơn vị nuôi thua lỗ và chính quyền địa phương đang chịu khoản nợ đọng lớn dần từng ngày.

Tin bài liên quan